Dự Hội thảo, có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan cùng hơn 100 hội viên, doanh nghiệp ngành cao-su.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao-su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, hằng năm, đóng góp của ngành cao-su đối với ngân sách Nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao-su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao-su và gỗ cao-su vào khoảng 7-8 tỷ USD.
Những kết quả trên chính là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành cao-su nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục... Không chỉ đóng góp vào kinh tế, cao-su có những đóng góp vào độ che phủ rừng, an ninh quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không mở rộng diện tích cao-su nên ngành cao-su tập trung tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững. Đây là những yếu tố giúp ngành cao-su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo VRA, bên cạnh những thuận lợi, ngành cao-su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao-su và doanh nghiệp cao-su Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp nêu những kiến nghị cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách. (Ảnh: Vũ Phong). |
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp nêu những vướng mắc, những kiến nghị tập trung tháo gỡ 4 vấn đề về cơ chế chính sách.
Đó là, đề nghị xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao-su sơ chế như chính sách đang áp dụng với những nông, thủy sản sơ chế khác; xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao-su thanh lý như đang áp dụng với các sản phẩm trồng trọt khác; xem xét miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao-su đang tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản do chưa có mủ cao-su.
Ngoài ra, VRA cũng kiến nghị các Bộ liên quan có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao-su Việt Nam” thành thương hiệu nông sản quốc gia.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... đồng tình với những báo cáo của VRA về xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc được nêu tại hội nghị; đồng thời, cam kết sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.