Thực tế chưa xứng với tiềm năng
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố cho thấy đến nay có 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích hơn 1.375 ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị với tổng diện tích hơn 1.983 ha. Hiện trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn với tổng diện tích hơn 7,95 triệu m2.
Chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Điều này dẫn tới thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư...
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Lê Phong, bà Trần Thị Hà chia sẻ, quy định cứng về khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng như mức lợi nhuận định mức không quá 10% (đối với nhà ở xã hội bán) hoặc không quá 15% (đối với nhà ở xã hội cho thuê hoặc thuê mua), trên tổng chi phí đầu tư (kể cả lãi vay nếu có) mà không tính đủ các khoản chi phí hợp lệ, hợp lý khác chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Các đại biểu chủ trì hội thảo. |
Bên cạnh đó, quy định các chủ đầu tư chỉ được bán nhà sau 5 năm sử dụng với 20% diện tích nhà ở xã hội dùng cho thuê trong dự án gây ra sự lãng phí vì phần diện tích cho thuê thường không được lấp đầy. Mặt khác, việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội trên cơ sở hồ sơ thiết kế dự toán theo quy định tại thời điểm thẩm định là không sát với thực tế tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình; thủ tục xác định tính tiền sử dụng đất, thuê đất rườm rà, bảo lãnh vay ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Thu Tâm, Giám đốc khối Đầu tư Tập đoàn Bcons cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian qua là thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và chấp nhận chủ trương đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp, chồng chéo. Đối tượng hưởng chính sách được quy định khá chi tiết dẫn đến yêu cầu về thủ tục và xét duyệt mất nhiều thời gian. Do đó doanh nghiệp kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư để xác định điều kiện về chỗ ở của đối tượng được hưởng chính sách; đồng thời cần mở rộng đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội.
Tháo gỡ khó khăn
Chỉ ra đất để phát triển nhà ở xã hội đang thiếu do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo... theo quy định của Luật Nhà ở, Tiến sĩ Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần phải tạo quỹ đất sạch cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, hướng tới nhà ở xã hội có giá mua, thuê hoặc thuê mua thấp để phù hợp với khả năng tài chính của các đối tượng được thụ hưởng.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2030 cả nước sẽ hoàn thành 1.062.000 căn nhà ở xã hội; trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428 nghìn căn và giai đoạn 2025-2030, hoàn thành khoảng 634 nghìn căn.
Chia sẻ với doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng cho rằng, cùng các giải pháp của Trung ương, bộ ngành, người đứng đầu các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, cần lập phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm bảo đảm nhu cầu của địa phương.
Toàn cảnh hội thảo. |
Đồng thời phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án, góp phần bảo đảm đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất một triệu căn hộ trên phạm vi cả nước.
Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Chính vì vậy, với nội dung tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Kiến nghị chính sách, Góc nhìn từ doanh nghiệp, Công nghệ xây dựng, Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo và nhà quản lý ngành Xây dựng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội trên cả nước, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến các chủ đề về nhà ở xã hội; góp phần thực hiện thành công Đề án Đầu tư xây dựng một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; đồng thời kiến nghị một số nội dung sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.