Thành tựu và hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 25 về công tác thanh niên

NDO -

Ngày 25-7-2008, BCH T.Ư Ðảng khóa X ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" (Nghị quyết 25). Ðây là văn bản quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Ðảng đối với thế hệ trẻ và  công tác thanh niên. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 25, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục khắc phục.

Các y sĩ, bác sĩ trẻ tình nguyện của Hà Nội khám, chữa bệnh cho người dân nghèo nước bạn Lào.
Các y sĩ, bác sĩ trẻ tình nguyện của Hà Nội khám, chữa bệnh cho người dân nghèo nước bạn Lào.

Chất lượng tổ chức, hoạt động được nâng cao

Ngay sau khi BCH T.Ư Ðảng khóa X ban hành Nghị quyết 25,  BCH T.Ư Ðoàn khóa IX đã ban hành Nghị quyết về "Ðổi mới phương thức giáo dục của Ðoàn" chỉ đạo hoàn thiện Ðề án "Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay".  Với những nỗ lực đó, trong 5 năm qua, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên đã thu được những kết quả tích cực. Cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác" tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ Ðoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi. Ðồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm là một nội dung quan trọng trong phong trào của Ðoàn.

Các cấp bộ đoàn đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đối tượng kết nạp Ðoàn, chủ động tạo nguồn, chú trọng bồi dưỡng thanh niên tiên tiến và đội viên lớn tuổi để kết nạp vào Ðoàn, ở từng đối tượng, khu vực, nhất là tại những địa bàn còn khó khăn. Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đạt nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai thực hiện các chương trình phối hợp, kế hoạch liên tịch... đạt hiệu quả cao. Công tác sơ kết, tổng kết và xây dựng chương trình phối hợp trong giai đoạn mới được chú trọng, tạo cơ chế và nguồn lực hoạt động cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Những hạn chế

Theo đánh giá của Ban Bí thư T.Ư Ðoàn, hạn chế chủ yếu gồm tính cụ thể hóa, năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết ở nhiều cấp bộ đoàn, nhiều cán bộ đoàn chưa tốt; có biểu hiện chạy theo hình thức; thụ động trong tham mưu, đề xuất, phối hợp triển khai thực hiện.

Chất lượng tổ chức Ðoàn tại cơ sở, nhất là ở khu vực xã, phường, thị trấn trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng tổ chức và hoạt động Ðoàn trên địa bàn khu dân cư yếu. Công tác phát triển tổ chức Ðoàn, Hội tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp nhiều khó khăn; tác động, ảnh hưởng của tổ chức Ðoàn, Hội tại cơ sở đối với thanh niên nhiều nơi chưa rõ nét.

Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn kế cận tại một số địa phương, đơn vị còn chưa được chú trọng đúng mức. Một bộ phận thanh niên thiếu ý chí phấn đấu, thiếu kỹ năng xã hội, không chịu khó học tập, rèn luyện, dễ bị dao động về lập trường tư tưởng, có biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, sa vào các trào lưu mới không phù hợp với văn hóa dân tộc; tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.

Chất lượng, hiệu quả của một số phong trào, mô hình, chương trình, hoạt động của Ðoàn thiếu tính chiều sâu, bền vững; sức hấp dẫn thu hút tập hợp thanh niên trong các hoạt động của Ðoàn, Hội chưa cao, tỷ lệ thu hút tập hợp thanh niên ở một số nơi còn thấp; tổ chức, cán bộ đoàn nhiều nơi còn lúng túng trong tiếp cận, định hướng cho thanh niên, trước nhu cầu, sở thích, trình độ của thanh niên, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên...

Nguồn nhân lực trẻ nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; nhiều cơ sở đoàn mới chỉ chú trọng đến công tác phát hiện, tuyên dương tài năng trẻ mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác tham mưu tạo cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng tài năng trẻ, chưa quan tâm đúng mức tới việc đồng hành cùng tài năng trẻ phát huy tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vốn vay cho thanh niên, nhất là trong thanh niên nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; số vốn vay ủy thác qua kênh của Ðoàn Thanh niên còn thấp so với nhu cầu của thanh niên; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi thanh niên hiện nay còn cao. Các cơ sở, trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi còn thiếu; vấn đề chỗ ở, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao cho thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên chưa được giải quyết thấu đáo.

Công tác nghiên cứu lý luận về thanh niên và công tác thanh niên chủ yếu được thực hiện ở cấp Trung ương, trong khi ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở, nội dung này chưa được thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có nhiều giải pháp hiệu quả. Nhiều đối tượng thanh niên chưa được tiếp cận (hoặc không đáng kể) các nội dung về chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Một số cấp bộ đoàn, nhất là đoàn cơ sở chưa tích cực, chủ động trong tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo toàn diện công tác thanh niên, trong phối hợp với chính quyền tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên. Hoạt động Ðoàn, Hội ở một số nơi có chiều hướng chạy theo thành tích, chỉ quan tâm đến các hoạt động mang tính phong trào, bề nổi mà ít quan tâm đến các hoạt động có tính chiều sâu, dài hạn, chuyên đề, đến hiệu quả cuối cùng; một số cơ sở Ðoàn chưa quan tâm đúng mức đến chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; tư duy, trình độ, năng lực, phương pháp, kỹ năng công tác (nhất là các kỹ năng xã hội) của nhiều cán bộ đoàn còn chưa theo kịp yêu cầu chung của công tác thanh niên hiện nay; tính biến động nhanh, liên tục của đội ngũ cán bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và tổ chức hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nhất là trên địa bàn dân cư.

Mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; suy thoái kinh tế thế giới, khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội trong nước; tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng đến thanh niên, tác động đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của giới trẻ, làm hạn chế hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, giáo dục của Ðoàn.

Trong giai đoạn tới, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên vẫn xoay quanh bốn vấn đề chính cần được gia đình, xã hội và Nhà nước quan tâm đáp ứng là: việc làm, thu nhập, học tập và vui chơi giải trí. Tuy nhiên, cũng có những nhu cầu mới đã được hình thành và ngày càng trở nên bức xúc trong đời sống của thanh niên, đó là: Thanh niên ngày càng mong muốn được tiếp cận nhiều hơn về thông tin, luật pháp, nguồn lực, cơ chế và chính sách phát triển thanh niên, các hoạt động trong nước và quốc tế... Thanh niên cũng có nhu cầu học thêm nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học hoặc học thêm các kỹ năng sống để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc hoặc làm thêm góp phần nâng cao thu nhập. Thanh niên mong muốn được rèn luyện và trưởng thành thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo và các hoạt động tình nguyện...