Thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp

NDO - Ngày 23/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng tại 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi lễ công bố quyết định thanh tra.
Quang cảnh buổi lễ công bố quyết định thanh tra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng chủ trì buổi công bố với sự tham dự của đại diện Thanh tra Chính phủ, các bộ: Công an, Tài chính, Công thương; các thành viên Đoàn Thanh tra; đại diện một số đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đối tượng thanh tra.

Tại lễ công bố, ông Lê Quang Huy, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Trưởng đoàn Thanh tra đã công bố Quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng; thông báo toàn văn quy định của Luật Thanh tra, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn, thành viên Đoàn Thanh tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra.

Đoàn Thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, các bộ: Công an, Tài chính, Công thương, thời gian 45 ngày. Đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

Đoàn Thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định liên quan, tập trung vào các nội dung bao gồm: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 25, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, và Thanh tra Chính phủ triển khai cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng tại một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Trong quá trình thanh tra, có thể bổ sung thêm đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra nếu cần thiết.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu Đoàn Thanh tra và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đoàn Thanh tra tập trung làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) và kiến nghị, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Trưởng Đoàn Thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển ngay sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp ảnh 1

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu tại lễ công bố.

Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững”, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp tình hình thực tiễn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.