Thị xã Phúc Yên được thành lập vào ngày 31/10/1905, gồm 3 làng Đạm Xuyên, Tháp Miếu, Tiền Châu và là tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Yên.
Trải qua nhiều lần tách, nhập và chuyển cấp đơn vị hành chính, ngày 1/1/2004, Phúc Yên chính thức đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Phúc Yên là một đô thị đã hình thành và phát triển gần 120 năm nay. Kể từ khi tái lập đến nay, với vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh, nhiều năm liền Phúc Yên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách trên địa bàn tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách của thành phố luôn vượt mốc 20.000 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm chiếm hơn 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của thành phố đạt hơn 68.000 tỷ đồng. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp-xây dựng chiếm 95%, dịch vụ chiếm 4,5%, nông nghiệp chỉ còn 0,5%.
Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, nhân dân Phúc Yên nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Cách đây 65 năm, vào ngày 24/12/1958, Bác Hồ về thăm và làm việc với thị xã Phúc Yên.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chúc mừng thành phố Phúc Yên. |
Nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, Bác dành nhiều thời gian phân tích về kinh tế nông nghiệp nói chung và hợp tác xã nói riêng. Bác yêu cầu phải dân chủ trong mọi công việc, vì chỉ có dân chủ tốt thì vấn đề sản xuất, phân phối sản phẩm mới rõ ràng, công khai, mới bảo đảm đoàn kết.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nêu rõ, mục tiêu thời gian tới của Phúc Yên là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đã được quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.