Thành phố Hồ Chí Minh vững bước phát triển

Sau đại dịch, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn một năm phát triển trong trạng thái “bình thường mới”. Với truyền thống năng động, sáng tạo, thành phố đã và đang đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực để tiếp tục là đầu tàu của cả nước; đồng thời, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế-xã hội đã đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh Thế Anh)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh Thế Anh)

Trong số các ngành, lĩnh vực bứt tốc, ngành du lịch, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm có sự tăng trưởng trở lại khá ấn tượng và dự báo sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan hơn trong năm tới.

Những điểm sáng sau đại dịch

Năm 2022 là năm đầu thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm. Ðầu năm, UBND thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6-6,5%. Lãnh đạo thành phố xác định, đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội đã “chạm đáy”. Tuy nhiên, với sự năng động vốn có, sự khát khao hồi phục và phát triển của các tầng lớp nhân dân sau những mất mát, đau thương vì đại dịch, hệ thống chính trị toàn thành phố đã thực hiện với quyết tâm cao nhất. Và sau đúng một năm, các kết quả, chỉ số thống kê trên nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả cụ thể ngoài mong đợi.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi thông tin, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2022 ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đã đề ra (6-6,5%). Trong đó, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 16,44% so cùng kỳ. Du lịch được xem là có sự “trở lại” ngoạn mục nhất với tổng doanh thu trong năm 2022 ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 33% so với kế hoạch đề ra.

Theo UBND thành phố, việc thực hiện chủ đề năm 2022 được triển khai, thực hiện khá đồng bộ, đầy đủ, đúng trọng tâm. Trong đó, các mặt công tác lớn, quan trọng như: tình hình kiểm soát dịch bệnh; thực hiện các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; công tác cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến quan trọng, được các sở, ngành, đơn vị chức năng triển khai hiệu quả, tích cực.

Tuy vậy, năm qua, thành phố vẫn còn nhiều hạn chế như: công tác giải ngân đầu tư công chưa đạt được kết quả như kỳ vọng; đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư, dù đây là vấn đề được thành phố đưa thành chủ đề lớn trong năm 2022, song trên thực tế công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế; việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố vẫn chưa đạt yêu cầu.

Hành động quyết liệt vì sự phát triển

So với các tỉnh, thành phố khác, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố nhiều lần nhấn mạnh, để bứt tốc, phát triển bền vững, với những dư địa của mình, thành phố cần có những cú bứt phá với vị thế vốn có. Tại hội nghị tổng kết năm của UBND thành phố mới đây, lãnh đạo thành phố khẳng định, năm 2023, thành phố sẽ tạo nên những đột phá để tạo động lực cho thành phố phát triển ở một tầm cao mới. Ðó là những cú bứt phá về hạ tầng giao thông, công tác chuyển đổi số, xây dựng đô thị văn minh, cải cách hành chính,... sẽ tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới, năng động cho thành phố.

Theo đó, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kế hoạch này không chỉ nhằm mục tiêu khơi dậy trách nhiệm, tinh thần cống hiến, khát vọng đổi mới, sáng tạo của đội ngũ mà sẽ tạo “tấm khiên” bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, các sáng kiến đột phá về những nội dung chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không rõ ràng, còn chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn.

Ðánh giá về hoạt động công tác của UBND thành phố năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành phố còn nhiều vấn đề chưa làm được, nhiều tồn đọng, thiếu sót. Bước sang năm 2023, thành phố cần các đơn vị tập trung, nỗ lực thực hiện hiệu quả các mặt công tác; tiếp tục phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao kỷ cương, kỷ luật và hiệu quả thực thi công vụ.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, thành phố đã có nhiều thời điểm gặp rất nhiều khó khăn, cam go nhưng bằng quyết tâm, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động trong hệ thống chính trị; cùng với sự ủng hộ của người dân, thành phố đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả tích cực. Ðứng ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, thời điểm này, thành phố cũng như cả nước đang chịu sự tác động khó khăn từ nhiều phía. Thời gian tới, thành phố cần tập trung thực hiện tốt các chương trình phục hồi kinh tế; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí hỗ trợ lãi suất cho vay... Ðồng thời, phối hợp với các bộ, ngành giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến thị trường tài chính; tăng tốc thực hiện các dự án về kinh tế số, chính quyền số.