Thành phố Hồ Chí Minh tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền

* Bắc Ninh dành nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền hành chính công; trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, đặc biệt là khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: KIỀU PHONG
Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: KIỀU PHONG

Năm 2020, công tác cải cách hành chính của thành phố tiếp tục được triển khai quyết liệt, chặt chẽ, xuyên suốt, nhanh chóng đề ra các giải pháp linh hoạt thay đổi phương thức làm việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp khi ứng phó dịch Covid-19. Năm 2020, thành phố đã ban hành 51 quyết định phê duyệt 936 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, có 73 quy trình liên thông giữa các sở, ngành - Văn phòng UBND thành phố - lãnh đạo UBND thành phố. Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện 85 đầu việc như: điều động, chuyển công tác và tiếp nhận công chức, viên chức, phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện một số nội dung đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án Khu liên hợp nhà ở, văn phòng thương mại Tản Đà - Hàm Tử (quận 5)…

Thành phố thực hiện đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021 theo Đề án chính quyền đô thị và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; định hướng công tác cải cách hành chính giai đoạn 2015 - 2021, bên cạnh việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức để giảm số biên chế cho phù hợp số biên chế do Chính phủ giao… Hiện, thành phố đang khẩn trương triển khai các phần việc để xây dựng chính quyền đô thị. Trong đó, về mặt tổ chức bộ máy hành chính, thành phố sẽ tinh giản hai đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã từ 322 xuống còn 312 phường, xã, thị trấn (do sáp nhập một số phường trên địa bàn các quận: 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận). Việc kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

* Bước vào năm 2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các giải pháp tập trung nguồn vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ.

Những năm qua, Vietcombank Bắc Ninh tập trung đầu tư tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho các DN, chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát tốt dòng tiền, đồng thời có các biện pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Để giúp DN hấp thụ nguồn vốn tốt, tiết giảm chi phí sản xuất, Vietcombank chủ động hạ mặt bằng lãi suất cho vay ở nhóm lĩnh vực ưu tiên thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so các lĩnh vực thông thường khác. Ngoài việc giảm lãi suất đối với các khoản cho vay mới, các chi nhánh của Vietcombank còn xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ; rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của DN để kịp thời tháo gỡ. Từ đầu năm đến nay, các chi nhánh đã giải ngân cho 3.200 khách hàng vay số vốn hơn 13.400 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Bắc Ninh lên các phương án tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là các nhóm đối tượng được ưu tiên. Ngân hàng phân loại nợ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất vốn vay đối với khách hàng; xem xét cho vay mới đối với những dự án khả thi, minh bạch tài chính, có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ… Tính đến đầu tháng 11-2020, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị tăng 2.600 tỷ đồng so đầu năm. Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm 90% tổng nguồn vốn; tổng dư nợ tăng gần 1.700 tỷ đồng so đầu năm.

Hiện, hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều lên phương án đẩy mạnh hoạt động cho vay, ưu tiên những ngành, lĩnh vực trọng điểm. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt gần 93 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so đầu năm, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 63%.