Thành phố Hồ Chí Minh thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè

Lập lại trật tự đô thị, quản lý bài bản, quy củ hơn vỉa hè và lòng đường chính là kỳ vọng chung khi Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành được thực thi, có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các cửa hàng kinh doanh ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 10) chiếm dụng vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ. (Ảnh THẾ ANH)
Các cửa hàng kinh doanh ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 10) chiếm dụng vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ. (Ảnh THẾ ANH)

Phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đang được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, sớm thông qua. Toàn bộ số thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố được nộp vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Cấp phép sử dụng tạm lòng đường, hè phố

Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND, ngày 26/7/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải bảo đảm không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức. Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5 m. Việc sử dụng lòng đường, hè phố phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Trường hợp đề nghị cấp phép sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố vừa thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải thành phố vừa thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ do Sở Giao thông vận tải xem xét quyết định.

Trong quy định vừa được ban hành, Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí theo quy định. Các hoạt động sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch cụ thể sẽ không phải cấp giấy phép.

Theo Phòng Quản lý đô thị Quận 1, trên cơ sở quyết định của thành phố, quận đang rà soát. Khoảng 130 tuyến đường sẽ được cấp phép sử dụng tạm vỉa hè nếu cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Hầu hết tuyến đường ở Quận 1 đều là khu vực kinh doanh buôn bán, dịch vụ thương mại nên sẽ áp dụng thu phí khi thành phố ban hành phí cho thuê lòng đường, hè phố. Ghi nhận tại tuyến đường Phan Chu Trinh, khu vực cửa nam chợ Bến Thành, có một điểm trông giữ xe gắn máy tồn tại đã lâu, chiếm trọn vỉa hè.

Thành phố Hồ Chí Minh thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè ảnh 1

Vỉa hè bị lấn chiếm trên đường Đặng Thái Thân, Phường 4, Quận 5.

Nhân viên giữ xe tại đây cho hay: Người chủ thuê nguyên căn nhà để trông giữ xe nhưng lúc khách đông thì đẩy ra vỉa hè. Thỉnh thoảng, cán bộ trật tự đô thị mới xuất hiện nhắc nhở và hiếm khi xử phạt. Một người dân gửi xe vào chợ Bến Thành lắc đầu: “Chỗ này giữ xe máy 20.000 đồng/lượt, trong khi họ lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Chính quyền nên bố trí vài điểm gửi xe với giá đúng quy định để người dân không bị chặt chém…”.

Tại khu vực Quận 10, trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (Phường 6), trước các cửa hàng bán phụ tùng xe gắn máy lúc nào cũng nườm nượp người ra vào, hầu như vỉa hè không còn chỗ trống, xe máy để ngổn ngang, thậm chí tràn xuống lòng đường. “Mặc dù trên vỉa hè có kẻ vạch, phần bên ngoài vạch kẻ quy định dành cho người đi bộ nhưng không lúc nào vỉa hè còn chỗ mà lách”, một người dân sống gần đó than phiền.

Vỉa hè bị chiếm dụng, sử dụng không đúng công năng, bị “xẻ thịt” dễ dàng bắt gặp ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nhất là tại các tuyến đường tập trung nhiều hàng quán kinh doanh, buôn bán, khu vực chợ truyền thống. Ở nhiều tuyến đường, khu vực, khi lực lượng đô thị ra quân kiểm tra thì trật tự, nền nếp nhưng sau khi rút đi, đâu lại vào đấy.

Sử dụng phí để duy tu lòng đường, vỉa hè

Sở Giao thông vận tải đã có tờ trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Theo dự thảo, mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là 20-100 nghìn đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe là 50-350 nghìn đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.

Với mức phí đề xuất này, Sở Giao thông vận tải dự kiến khoản phí thu được hơn 1.550 tỷ đồng/năm, sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Trong đó, Sở Giao thông vận tải thống kê có hơn 600 tuyến đường rộng hơn 9 m, nếu cho thuê để trông giữ xe sẽ thu được 550 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, 1.143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên cho thuê để kinh doanh sẽ thu được hơn 971 tỷ đồng mỗi năm.

Theo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm, khi Hội đồng nhân dân thành phố ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy định cụ thể vỉa hè, lòng đường, khu vực nào được cho thuê, thời gian thuê và phương thức đăng ký thuê. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ kẻ vạch, chia ô, lắp biển hiệu để nhận biết khu vực vỉa hè, lòng đường này đang cho thuê kinh doanh, giữ xe,... Đây cũng là cơ sở để phân biệt được vị trí vỉa hè, lòng đường đó kinh doanh hợp pháp hay không, trường hợp làm sai quy định, lấn chiếm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ để thu phí; đồng thời, phân chia rõ ràng nhiệm vụ cho từng đơn vị, quy định chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là công cụ quản lý, kiểm soát có hiệu quả, không để diễn ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép và tạo điều kiện cho đời sống mưu sinh của người dân. Nội dung của quyết định cũng quy định rõ việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Đây sẽ là cơ sở để giảm và xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè tồn tại dai dẳng suốt thời gian qua; đồng thời, ghi nhận cụ thể quyền quản lý lòng đường, vỉa hè thuộc về cơ quan chức năng, ngăn chặn tình trạng thu lợi bất chính từ việc cho thuê vỉa hè trái phép.