Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

NDO - Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, vì người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực, muốn dạy được phải yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà giáo chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà giáo chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 20/11, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), gặp gỡ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiêu biểu và trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đông đảo các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu … tham dự.

Phát biểu tại chương trình kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với sứ mệnh được trao, lòng tự hào với nghề trồng người cao quý đã chọn, với trách nhiệm tin yêu của học sinh, ngành giáo dục thành phố mong muốn mỗi thầy cô giáo trong toàn ngành là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, vì người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực, muốn dạy được phải yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người.

“Nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, giàu tính nhân văn. Muốn dạy được học trò, nhà giáo phải tích lũy kiến thức, giữ gìn phẩm chất, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên toàn ngành đã và đang công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của giáo dục trong sự nghiệp phát triển, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều quan tâm, nỗ lực trong phát triển sự nghiệp giáo dục và chăm lo cho đội ngũ trong toàn ngành. Nhờ vậy, ngành giáo dục thành phố đã không ngừng phát triển toàn diện cả về quy mô, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và xây dựng kế hoạch tổng thể về biên chế đáp ứng yêu cầu về giáo dục và đào tạo của một đô thị đặc biệt, quy mô dân số tăng nhanh và đòi hỏi về giáo dục chất lượng toàn diện ngày càng cao. Ngành giáo dục tiếp tục đổi mới hơn nữa việc dạy học và công tác thi đua; tiếp tục hoàn thiện các đề án về giáo dục thông minh, chuyển đổi số… tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ kỷ nguyên số.

“Ngành giáo dục nghiên cứu, đề xuất cho lãnh đạo thành phố các cơ chế khả thi nhất để cải thiện thu nhập, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam ảnh 1

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vinh dự được nhận Cờ Thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố vinh dự được nhận Cờ Thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có nhiều thành tích xuất sắc về đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tặng bằng khen cho 25 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản qua các thời kỳ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 cho 50 cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều đóng góp trong đổi mới phương pháp dạy học, được đồng nghiệp tín nhiệm, phụ huynh và học sinh tin yêu.

Giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998, đến nay, có 826 cán bộ quản lý, giáo viên được vinh danh. Đây là những thầy, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm nghìn tấm gương nhà giáo tận tụy, luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.