Thành phố Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm như: Đường vành đai phía tây nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C; đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng thành phần 2, đoạn qua Cần Thơ dài hơn 37 km, nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917, 918, 923…
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ một công trình giao thông trọng điểm.
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ một công trình giao thông trọng điểm.

Hiện các cấp, các ngành của thành phố tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng này, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, sớm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công trình

Đường vành đai phía tây thành phố Cần Thơ dài 19,7km, đi qua 5 quận, huyện (gồm các quận: Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Điền) do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 149 ha; có 1.243 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án; dự kiến bố trí tái định cư khoảng 464 trường hợp. Đến nay, công trình đã hoàn thành kiểm đếm nhà, vật kiến trúc, cây trồng; đã phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ cho 672 hộ dân với số tiền là 1.002,18 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54%; tiến hành chi trả cho 653 hộ dân với số tiền 975,24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 52,5%; bàn giao khoảng 50% mặt bằng cho đơn vị thi công.

Dự án có 7 gói thầu xây lắp, hiện triển khai thi công 4 gói thầu (gói 16, gói 17, gói 19 và gói 20). Tính đến ngày 22/4/2024, giá trị khối lượng thực hiện của 4 gói thầu khoảng 369 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,92%. Các gói thầu còn lại đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mới có kết quả thẩm định hồ sơ dự toán.

Hiện tại, dự án đang bị chậm tiến độ vì còn những hộ dân chưa được phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ (do vượt tổng mức đầu tư) cho nên mặt bằng chưa bảo đảm yêu cầu để triển khai thi công đồng bộ các gói thầu số 16, 17, 19. Các khu tái định cư của quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và một số khu tái định cư chưa có giá nền, vì vậy, chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân, ảnh hưởng lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Bên cạnh đó, đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng gồm: Đường dây điện trung, hạ thế của Công ty Điện lực Cần Thơ và hệ thống cấp thoát nước của Công ty cổ phần cấp nước Cần Thơ 2, đơn vị thực hiện đang hoàn tất thủ tục để làm cơ sở xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định cho nên chưa thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Mặt khác, công tác đắp nền đường bị chậm tiến độ do nguồn cát đắp nền đang khan hiếm…

Sở Giao thông vận tải thành phố đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư dự án trình cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận. Bên cạnh đó, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công…

Tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng thành phần 2 đoạn qua thành phố Cần Thơ dài hơn 37 km với tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm đại diện chủ đầu tư. Hiện dự án được triển khai với hơn 30 mũi thi công, mỗi mũi có từ 10-20 công nhân và đang tập trung thi công các cầu trên tuyến để bảo đảm đúng tiến độ.

Đến nay, việc thi công đào nền đường tuyến chính đã hoàn thành 27,14/30,02 km; đường công vụ và đường gom 30/38,96 km. Thi công đắp cát đường tuyến chính được 5,8/30,02 km, thi công đường công vụ và đường gom được 20,5/38,96 km. Trên tuyến có tổng cộng 30 cầu, với tổng chiều dài 7,204 km, đến nay, đã triển khai thi công 22/30 cầu, 8 cầu còn lại sẽ được triển khai trong quý III và IV năm 2024.

Từ khi cát được đưa về công trình vào giữa tháng 4/2024, các gói thầu đã tăng tốc để lấy lại tiến độ và đạt gần 8%. Mục tiêu đến hết năm 2024, dự án phải đạt 20% tiến độ. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực để có mục tiêu nêu trên.

Để tháo gỡ khó khăn, tìm nguồn cát xây dựng cao tốc, lãnh đạo thành phố chủ động làm việc với các tỉnh có cát để hỗ trợ thành phố. Hiện, tỉnh An Giang đã hỗ trợ nguồn cát cho tuyến cao tốc này. Tỉnh Tiền Giang cam kết hỗ trợ thành phố Cần Thơ nguồn cát được cung cấp tại các mỏ An Nhơn (huyện Cái Bè) với trữ khoảng 0,912 triệu m3; các mỏ Ngũ Hiệp 1 và Ngũ Hiệp 2 (huyện Cai Lậy) với trữ lượng khoảng 1,244 triệu m3 và 2,599 triệu m3 (tổng trữ lượng 3 mỏ khoảng 4,755 triệu m3).

Ngoài ra, các công trình nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 917, 918, 923, thành phố Cần Thơ đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm tiến độ dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, thành phố cơ cấu phân bổ vốn dự kiến cho lĩnh vực giao thông vận tải là 9.470 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2016-2020), tương ứng với tỷ lệ là 24,27%, trong đó, vốn chuyển tiếp là 770 tỷ đồng và vốn khởi công mới là 8.700 tỷ đồng. Qua rà soát các quy hoạch, đồ án ngành giao thông vận tải và định hướng phát triển chung của thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất danh mục 18 dự án đầu tư công ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng bộ, quyết liệt trong thực hiện

Để bảo đảm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, phát huy hiệu quả đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, tập thể người đứng đầu đơn vị, chủ đầu tư, chủ dự án trong việc bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm. Ủy ban nhân dân thành phố không xem xét thi đua đối với cá nhân, tập thể không hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ cam kết và kiểm điểm xử lý trách nhiệm.

Tại các cuộc họp đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục phân công các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo lĩnh vực phụ trách, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Quyết liệt thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là những công trình giao thông trọng điểm, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Các cấp, các ngành khẩn trương chỉ đạo rà soát, xác định, phân loại những khó khăn, vướng mắc trong từng khâu, từng công trình, dự án để kịp thời có biện pháp tháo gỡ; chỉ đạo các chủ đầu tư, các sở, ngành có liên quan làm việc với từng quận, huyện để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân theo luật định. Hội đồng thẩm định thành phố khẩn trương thực hiện và sớm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt giá đất cụ thể tại các công trình, dự án trên địa bàn quận, huyện làm cơ sở để thực hiện công tác bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện việc giải ngân kế hoạch đầu tư công, xem đây là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan và không thực hiện việc bình xét thi đua trong năm. Có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng trì trệ, những trường hợp để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong đầu tư công theo quy định.

Các chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán, không để dồn vào cuối năm; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan trong quá trình thực hiện dự án, kiên quyết không để xảy ra chậm trễ đối với những công việc thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ được giao…