Thanh Oai  lúng túng với bài toán việc làm và thu nhập của người dân

Là huyện ven đô, có nhiều làng nghề truyền thống, đất đai rộng, nhưng kinh tế - xã hội của huyện Thanh Oai vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, bên cạnh việc thành phố sẽ hỗ trợ đầu tư các trục giao thông chính trên địa bàn huyện, mặt khác, huyện cần năng động hơn, tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân làm nghề điêu khắc gỗ tại làng Dư Dụ, xã Thanh Thuỳ (Thanh Oai).
Người dân làm nghề điêu khắc gỗ tại làng Dư Dụ, xã Thanh Thuỳ (Thanh Oai).

Thanh Oai được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô với diện tích tự nhiên hơn 12 nghìn ha, số dân gần 20 nghìn người. Trên địa bàn huyện có 51 làng nghề và 246 di tích văn hóa. Trong đó có nhiều làng nghề nổi danh trong cả nước như: nón lá làng Chuông, quạt, lồng chim Vác, kim khí Thanh Thùy, giò chả Ước Lễ… Thời gian qua, kinh tế huyện giữ tốc độ tăng trưởng khá, đạt từ 12 đến 13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 223,7 tỷ đồng, bằng 140,7% so với dự toán thành phố giao.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ. Sau dồn điền đổi thửa, vẫn còn nhiều hộ dân ở các xã: Xuân Dương, Trường Xuân, Cao Viên… chưa đồng thuận, cho nên chưa nhận ruộng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa cao. Các loại hình dịch vụ vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Tình trạng vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng còn diễn ra. Riêng sáu tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 117 vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất và giải quyết đất dịch vụ cho các hộ dân có đất bị thu hồi của các dự án còn chậm, hiện không có kinh phí để đền bù cho gần ba nghìn hộ dân.

Bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh môi trường làng nghề, nước thải công nghiệp ở Thanh Oai vẫn đang là vấn đề khó giải quyết. Mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 92 tấn. Nhưng 70% số xe thu gom rác đã bị hỏng, rác thải bị đổ thẳng ra điểm tập kết, gây mất vệ sinh môi trường. Hai tuyến sông Đáy và sông Nhuệ qua địa bàn huyện đang bị ô nhiễm nặng, không bảo đảm cho sản xuất và dân sinh. Hiện mới có 32% số người dân được sử dụng nước sạch. Công tác hành chính chưa có nhiều cải cách, vẫn gây nhiều phiền hà, mất thời gian cho doanh nghiệp và người dân. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của một số chi bộ Đảng, cán bộ, đoàn thể chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ nhận định, do huyện không có động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không có nhiều việc làm, chính vì vậy mà hằng ngày nhiều người từ Thanh Oai đổ về quận Hà Đông và nội thành làm việc. Cơ cấu kinh tế của huyện, thoạt nhìn thì thấy tương đối “đẹp”, nhưng giá trị thực lại rất nhỏ. Chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng trên tổng số gần 20 nghìn dân. Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư gợi mở, huyện cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm cho người dân hơn.

Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Oai về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh, Thanh Oai cần đặt ra cho mình những câu hỏi, như vì sao diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa cao, nhưng cơ giới hóa còn chậm, chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp thủ công? Vì sao huyện không phát triển được công nghiệp, không thu hút được đầu tư, trong khi có rất nhiều làng nghề? Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Thanh Oai tập trung đầu tư, chủ động thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sớm có kế hoạch triển khai thực hiện tám cụm công nghiệp với quy mô 120 ha đã xây dựng trong quy hoạch. Tạo điều kiện để di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống ra các cụm công nghiệp, tạo việc làm, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cũng như giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống. Thành phố sẽ làm việc cụ thể với chủ đầu tư Cienco 5 để kết nối toàn tuyến đường trục phát triển phía nam, sớm triển khai các tuyến đường ngang kết nối giữa quốc lộ 1A, đường trục phía nam và quốc lộ 21B, tạo điều kiện cho huyện phát triển, kết nối với các địa phương lân cận. Thành phố sẽ bố trí vốn để huyện Thanh Oai cải tạo, mở rộng tuyến đường 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài, lập quy hoạch xây dựng thị trấn Kim Bài trở thành đô thị loại 5 vào năm 2020.

Về sản xuất nông nghiệp, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị huyện cần tiếp tục làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, phát triển sản xuất theo chuỗi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để hình thành chuỗi liên kết sản xuất phân phối hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. "Mục tiêu của huyện đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hơi thấp, cần nâng chỉ tiêu này lên. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, để tạo động lực đưa huyện Thanh Oai đạt được những thành tựu kinh tế -
xã hội mới", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm