Thành nhà Hồ: Hướng mở thổi hồn cho di sản

NDO - NDĐT- Thành nhà Hồ là kiệt tác do con người sáng tạo, công trình kỳ vĩ, độc đáo ở khu vực Đông - Nam Á. Đặt di tích trong không gian văn hóa Tây Đô, mở rộng liên kết vùng là giải pháp làm tăng sản phẩm văn hóa-du lịch, bảo lưu giá trị nổi bật toàn cầu.
Mặt trong cổng phía nam Thành nhà Hồ.
Mặt trong cổng phía nam Thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ trong không gian Tây đô

Nằm cách TP Thanh Hóa khoảng 50 km về phía tây bắc là tòa thành đá đồ sộ, còn khá nguyên vẹn có diện tích gần 1 km2 thuộc địa bàn xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến ngày nay. Được xây dựng vào năm 1397, trải qua 600 năm trường tồn cùng lịch sử dân tộc, Thành nhà Hồ là sản phẩm của thiên tài sáng tạo, thể hiện bàn tay tài hoa, trí tuệ, nghị lực phi thường của con người Việt Nam.

Tháng 6-2011, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới bởi thỏa mãn tính toàn vẹn, xác thực cùng các giá trị nổi bật toàn cầu. Di sản thành nhà Hồ gắn kết chặt chẽ với không gian văn hóa xứ Thanh, mà vùng trọng điểm là huyện Vĩnh Lộc, nơi có tới 147 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng nhiều di sản tinh thần còn được bảo lưu bền vững trong cộng đồng cư dân sở tại. Đó là thắng cảnh động Kim Sơn thuộc xã Vĩnh An, nơi có động Ngọc Long và Tiên Động lưu giữ những nhủ đá muôn hình, thôi thúc ý tưởng khám phá. Phía nam là núi Mai Sơn có nhiều giống trúc nhỏ, sườn núi mở ra một ao sen rộng chừng vài mẫu; phía đông có núi Hang, hai đầu là đầm sâu, du khách có thể du thuyền thưởng ngoạn thiên nhiên hoang dã; tiếp đến là thắng cảnh Động Hồ Công-Chùa Du Anh ở xã Vĩnh Ninh, một quần thể núi hang động, công trình tôn giáo độc đáo. Phía tây Thành nhà Hồ là làng Tây Giai còn bảo lưu được nếp nhà Việt cổ cùng những thiết chế văn hóa cổ truyền. Ngoài cổng thành phía bắc là làng Cẩm Bào từng che chở, bảo vệ các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo sau ngày chiến khu bị vỡ và thực dân Pháp gọi là “làng Đỏ”, nhiều lần xua quân vây ráp, đàn áp.

Ngoài các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật phụ cận như đình Đông Môn, chùa Giáng, Phủ Trịnh-Nghè Vẹt, chùa Hoa Long, di sản thành nhà Hồ còn kết nối với hàng loạt di tích vệ tinh gắn với triều Hồ. Còn đó Ly Cung nhà Hồ, núi An Tôn và hang Nàng, đền thờ Trần Khát Chân, rồi đàn tế Nam Giao, công trình tín ngưỡng triều Hồ kết nối với cổng phía nam thành bằng con đường Hòe Nhai lát đá xanh. Di tích này đã và đang được khai quật khảo cổ học nhằm bổ sung những luận cứ khoa học cho di sản Thành nhà Hồ và phục vụ trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản.

Khảo sát không gian văn hóa Tây đô, các nhà nghiên cứu còn sưu tầm được kho tàng di sản văn hóa tinh thần làm gia tăng giá trị di sản trong mối tương hỗ lẫn nhau. Nhiều làng khu vực này còn duy trì hát Bội, một hình thức sân khấu độc đáo trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng.

Vĩnh Lộc còn là một trong những trung tâm ca trù trong tỉnh Thanh Hóa và người dân khu vực này thường gọi là hát ca công, hát cửa đình. Kết quả điều tra cho thấy, quanh thành nhà Hồ và vùng phụ cận có tới 36 làng hát ca công, liên kết với nhiều địa phương hát ca công nổi tiếng trong tỉnh, thậm chí kết nối tới Lỗ Khê (Hà Nội), Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Đông Môn (Thủy Nguyên-Hải Phòng).

Theo TS Hoàng Minh Tường: Chính phố Hòe Nhai-đường Hoàng cung triều Hồ một thời “vang bóng” tiếng đàn, điệu phách, lời ca của các ca nương vọng vang, vượt qua cả bức tường thành tới Hoàng cung. Chợ Quang Hoàng (Vĩnh Quang) không chỉ là điểm trao đổi thương mại, còn là chợ văn hóa-tình duyên, chợ tình mà nàng Nga mở hội kén chồng, kết duyên cùng Hai mối, dệt nên thiên tình sử “Chuyện nàng Nga-Hai Mối” được lưu truyền sâu rộng ở các vùng Mường. Chính vì lẽ đó, Mường Đủ (Thạch Bình, Thạch Thành) đã kết chạ với Cẩm Hoàng (Cẩm Thủy), một bằng chứng sinh động về tính cố kết cộng đồng bền vững khá đặc trưng ở xứ Thanh. Vĩnh Quang còn có diễn xướng chèo chải mang đậm yếu tố văn hóa cung đình và đã được dân gian hóa. Vùng đất này còn có hát múa chèo thờ ở đình Tam Tổng, thả đèn rước nước ở làng Bồng Trung (Vĩnh Hùng), chèo thuyền, đua thuyền ở các làng ven sông Mã để trong dòng chảy văn hóa dân gian luôn giàu cảm hứng thi ca, nồng nàn tình yêu lao động: “Câu hò ướt đẫm mồ hôi/bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền”.

Phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ được công nhận di sản văn hóa thế giới là niềm tự hào của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Dẫu vậy, đi đôi với việc bảo lưu những giá trị nổi bật toàn cầu, làm thế nào để phát huy giá trị di sản, thiết thực cải thiện, nâng cao chất lượng của cuộc sống nhân dân là câu hỏi lớn đặt ra.

Trăn trở với vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Lê Quang Tuấn bộc bạch: Xây dựng quy hoạch du lịch phải trên cơ sở lấy Thành nhà Hồ làm điểm trọng tâm, kết nối với các di tích, danh thắng vệ tinh; khôi phục đặc sản địa phương như chè lam phủ quảng, sâm báo (Vĩnh Hùng), dưa don (Vĩnh Yên), cà trắng làng Giáng, bánh tráng, ổi Đa Bút. Nên khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế phục vụ du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian; hỗ trợ duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ chèo, tuồng hiện có; duy trì, nâng cấp các lễ hội truyền thống trong năm; hỗ trợ người dân có đất canh tác trong khu vực nội thành chuyển giao cho Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ quản lý được tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt thông tin thêm: Sau ngày được công nhận di sản văn hóa thế giới Thanh Hóa càng đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Chính phủ đã đồng ý và tỉnh đang xúc tiến xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ. Thanh Hóa cũng đã xây dựng chương trình phát triển du lịch đến 2020 đồng thời triển khai quy chế quản lý, bảo vệ di sản theo pháp luật Việt nam và công ước quốc tế; nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên khu vực này và vùng phụ cận.

Đặc biệt Thanh Hóa đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tiến hành khai quật khảo cổ học ở khu vực đàn tế Nam Giao, cổng Nam thành nhà Hồ, khu vực công trường khai thác đá An Tôn; quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, triển khai chống rò rỉ nước, sụt lở và có phương án phòng chống thiên tai tác động tới Thành nhà Hồ. Ý tưởng biến khu vực Hoàng thành thành công viên khảo cổ được nhiều nhà khoa học đề cập tới và Thanh Hóa đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, nâng cao đời sống dân sinh.

Đề cập đến nhóm giải pháp trước mắt, giới chuyên môn trong tỉnh cho rằng cần có kế hoạch di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực bên trong hào thành nhanh hơn nữa để xin nạo vét, khơi đào, kè đá hệ thống hào thành bốn mặt đông-tây-nam-bắc như vốn có để mở rộng không gian tham quan; hỗ trợ nông dân hoàn trả toàn bộ diện tích đang canh tác nông nghiệp trong thành nội cho di tích để tiến hành khai quật khảo cổ học làm phát lộ các công trình kiến trúc cổ đồng thời thu thập hiện vật còn nằm trong lòng đất phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch được hiệu quả hơn. Riêng trùng tu, tôn tạo là việc làm lâu dài, bền bỉ, cần mẫn, đòi hỏi kiến thức đa ngành, trình độ chuyên môn cao, bảo đảm tái tạo cả phần xác lẫn phần hồn cho di tích.

Trưởng phòng quản lý di sản văn hóa Viên Đình Lưu nhấn mạnh: Ngoài thực hiện đúng Luật di sản văn hóa, Thanh Hóa còn phải bảo đảm các cam kết với UNESCO. “Quy trình tu bổ, phục hồi cần ưu tiên tu bổ các đoạn tường đá bị sụt lở, phục hồi một số hạng mục công trình trọng điểm trong vùng lõi khi đã có tư liệu nghiên cứu chắc chắn của các nhà khoa học; ưu tiên việc bảo tồn nguyên trạng bằng các phương pháp, kỹ thuật hiện đại đối với các di tích khảo cổ khu vực nội thành. Phải dứt khoát quan điểm: không được tôn tạo trong khu vực nội thành; khu vực thuộc vùng đệm, ngoại thành cần thống nhất quan điểm “bảo tồn thích ứng” nhằm hạn chế tối đa việc di dời các công trình dân sinh bền vững hiện tồn”.

Tại hội thảo “Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ” được tổ chức gần đây, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm cần tiếp tục nghiên cứu về Thành nhà Hồ, tiếp cận không gian văn hóa Tây đô làm phong phú thêm giá trị di sản, gia tăng sản phẩm du lịch.

TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng: Du lịch là giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản tốt nhất, du lịch vừa là động lực, vừa là mục tiêu của bảo tồn. Theo đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, hình thành các tổ hợp dịch vụ, bổ trợ khách tiếp cận di sản, kết nối di sản với các di tích vệ tinh, khôi phục các làng nghề, các lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian làm giàu có thêm các sản phẩm du lịch.

Quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng riêng có thông qua liên kết khai thác tiềm năng quần thể di sản khu vực này, một số ý kiến lưu ý tới việc tận dụng các thế mạnh ở địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, tạo môi trường cho người dân được hưởng thụ, tham gia, sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa mới hay tạo điều kiện cho khách du lịch được “trải nghiệm” khi tham gia các hoạt động vật chất, tinh thần với nhân dân vùng di sản.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phát huy giá trị di sản, đại diện đô thị cổ Hội An và cố đô Huế nhấn mạnh tới mục tiêu bảo tồn, bảo vệ tính chính danh của di sản; kịp thời ban hành những văn bản quy phạm pháp luật dựa trên sự quan tâm của cộng đồng, xây dựng quy chế cộng đồng, xác lập cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi, ý thức tự giác trong bảo vệ di sản đi đôi với chăm sóc lợi ích của cộng đồng, tăng cường kiểm tra xử lý chủ thể vi phạm. Nhất thiết thành lập cơ quan quản lý chuyên biệt, có thực quyền, quan tâm tăng thời lượng, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu tri thức, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực cho việc bảo lưu, phát huy giá trị di sản.

Phó Giám đốc Sở văn hóa-thể thao-du lịch Thanh Hóa Doãn Văn Phú nhấn mạnh, tới nỗ lực kết nối di sản với trọng điểm du lịch quốc gia, mở rộng liên kết xây dựng sản phẩm du lịch hành trình đến các kinh đô Việt cổ ở khu vực bắc miền Trung. Đây là sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử độc đáo, kết nối các vùng, miền, trải nghiệm qua nhiều không gian của đất nước từ Đền Hùng - Hoàng thành Thăng Long - Cố đô Hoa Lư - Thành nhà Hồ - Lam Kinh - Phượng Hoàng Trung Đô - Kinh thành Huế... và điểm cuối là Thành Hoàng Đế của tỉnh Bình Định. Muốn vậy phải có sự đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên có kỹ năng, trình độ chuyên nghiệp để “thổi hồn vào di sản”.

Muốn xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh trùng lặp do phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm; liên kết quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, giải trí, mua sắm, đầu tư dự án lớn, có tác động lan tỏa, gắn kết với chiến lược du lịch cụ thể và các địa phương khu vực bắc miền Trung cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị của các kinh đô cổ.