Đây là văn phòng hoạt động tại khu vực biên giới đối biên với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), gia nhập mạng lưới văn phòng BLO và trở thành văn phòng liên lạc qua biên giới thứ 20 tại Việt Nam do UNODC hỗ trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, Việt Nam là quốc gia gần khu vực “Tam giác vàng” và “Trăng lưỡi liềm vàng”, đây là hai trung tâm sản xuất, mua bán ma túy lớn trên thế giới nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tội phạm ma túy ở các khu vực này. Cao Bằng nằm trong vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới Việt - Trung, tình hình hoạt động mua bán vận chuyển ma túy bất hợp pháp, cũng như vấn nạn mua bán người, đưa người di cư bất hợp pháp diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng.
“Chúng triệt để lợi dụng sự đi lại, thông thương giữa hai nước, cũng như khó khăn sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia về Việt Nam rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ”, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình thông thương được kiểm soát chặt chẽ do các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh và cách ly tập trung tại khu vực biên giới bởi đại dịch Covid-19, các loại hình tội phạm này vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Đại diện UNODC, ông Nguyễn Đức Long, cho biết, hiện nay, trong khi cả thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch Covid-19 thì tất cả các chỉ số liên quan sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp và các chất cấm bất hợp pháp vẫn giữ mức cao trong khu vực.
“Các tổ chức tội phạm vẫn cố gắng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi phạm tội. Không chỉ buôn bán ma túy và tiền chất, chúng ta còn chứng kiến nguy cơ gia tăng của các loại hình tội phạm khác tại khu vực biên giới như hoạt động mua bán người, đưa người di cư trái phép hay buôn bán động thực vật hoang dã trái phép. Tình trạng di cư bất thường qua đường mòn, lối mở càng trở nên phức tạp”, đại diện UNODC nhận xét.
Một trong những thách thức là sự gia tăng đột biến của ma túy tổng hợp, đặc biệt là methamphetamine, với khối lượng bị thu giữ tăng gấp nhiều lần so những năm trước đây.
Theo như ước tính của UNODC trong Báo cáo đánh giá tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực năm 2019, lợi nhuận bất hợp pháp liên quan heroin lên đến 10,3 tỷ USD, methamphetamine lên đến 61,4 tỷ USD mỗi năm. Có thể thấy, lợi nhuận từ các hoạt động tội phạm cao hơn nhiều so tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số quốc gia thành viên ASEAN.
Kể từ năm 1999, mạng lưới BLO tại Việt Nam đóng vai trò chủ chốt trong công tác thúc đẩy hợp tác liên ngành trong nước và quốc tế, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trao đổi thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Theo báo cáo của các văn phòng BLO tại Việt Nam, trong hai năm 2017-2018, lực lượng BLO Việt Nam đã phối hợp lực lượng BLO đối biên các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc điều tra bắt giữ hơn 4.532 vụ liên quan tội phạm ma túy, bắt giữ hơn 6.200 đối tượng phạm tội.
“Việc thành lập các văn phòng BLO trên tuyến biên giới Việt - Trung là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Lễ ra mắt văn phòng BLO Cao Bằng ngày hôm nay khẳng định quyết tâm mạnh mẽ và sự cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định và phát triển”, Thiếu tướng Đỗ Quang Bình cho biết.
Trong thời gian qua, UNODC đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ tại tất cả văn phòng BLO tại Việt Nam, tăng cường năng lực thu thập phân tích, chia sẻ thông tin giúp dẫn đến những vụ thu giữ tang vật, bắt giữ bắt giữ đối tượng cũng như phân tích về xu thế và tuyến đường vận chuyển; hỗ trợ các hoạt động phối hợp điều tra các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
UNODC cũng sẽ hỗ trợ văn phòng BLO Cao Bằng, cung cấp trang thiết bị, phương tiện từ cơ bản đến nâng cao, bao gồm thiết bị văn phòng cũng như thiết bị hỗ trợ điều tra như bộ thử ma túy và tiền chất, ống nhòm ngày và đêm, thiết bị định vị GPS.
Trong năm 2020, Việt Nam dự kiến mở thêm hai văn phòng BLO mới tại tỉnh Quảng Bình và Gia Lai, nâng tổng số 22 BLO ở Việt Nam.
Hiện nay, UNODC đã và đang hỗ trợ gần 80 BLO ở khu vực Đông-Nam Á, tập trung vào năm quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Nếu tính tổng số trong khu vực, thì sẽ có hơn 100 BLO, bao gồm cả những BLO do Chính phủ Thái Lan và Trung Quốc thành lập và vận hành.
Trong năm 2020, UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng mạng lưới BLO với việc ra mắt các BLO mới ở một số nước như Lào, Indonesia.