Thành lập Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh

NDO -  Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh vừa tổ chức lễ ra mắt nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày thành lập. Từ Ðoàn dân ca quan họ Bắc Ninh đến  nay được nâng cấp là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh. Nhà hát có chức năng biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức dân ca Quan họ Bắc Ninh của nhân dân và bạn bè quốc tế; sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm, đào tạo, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh- Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhà hát đã đạt được  nhiều thành tích trong các kỳ Hội thi, Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Ðến nay Nhà hát đã có  một NSND và  10 NSƯT.

Ra mắt cuốn sách Nghệ thuật trình tấu ghi-ta cổ điển ở Hà Nội

 Sáng 25-1, tại Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức ra mắt cuốn sách Nghệ thuật trình tấu ghi-ta cổ điển ở Hà Nội. Trong thời  gian hai năm cuốn sách đã được biên  soạn công phu do các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng các nhà nghiên cứu thực hiện. Sách dày 350 trang trình bày đẹp gồm ba phần: Khái quát lịch sử ghi-ta thế giới; Ghi-ta cổ điển ở Hà Nội và  Một số bài viết về các nhạc sĩ, nghệ sĩ ghi-ta ở Hà Nội; phần  phụ lục có nội dung: Những người chắp cánh cho cây ghi-ta ở Hà Nội, Tản mạn về kỹ thuật trình tấu ghi-ta, Ấn phẩm và ghi âm tác phẩm ghi-ta... cùng một số bản nhạc soạn cho đàn ghi-ta.

 Truyền hình Nhật Bản làm phim quảng bá du lịch Việt Nam

 Ðoàn làm phim thuộc Kênh truyền hình BS12 (Nhật Bản) đến Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu về đất nước, con người, phong cảnh và các món ăn truyền thống của Việt Nam từ ngày 10 đến 30-1. BS12 là một trong những kênh truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản, chuyên thông tin về  phát triển du lịch, các danh thắng nổi tiếng trên thế giới.  Ðoàn làm phim thực hiện các cảnh quay tại: Hà Nội, Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh. Phim có thời lượng 60 phút, sẽ phát sóng trong tháng 2 và tháng 3-2013. Ðây là hoạt động quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút một triệu khách Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2015.

 Chín  loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài       

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Thông tư số 19, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân mang chín loại di vật, cổ vật ra nước ngoài. Chín loại di vật, cổ vật gồm: cá thể hoặc bộ phận hóa thạch người, động vật, thực vật thuộc thời kỳ tiền sử Việt Nam; cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học; tài liệu bằng các chất liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam và anh hùng dân tộc, danh nhân; di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9-1945, thuộc các di tích lịch sử, văn hóa và của các dân tộc thiểu số được sản xuất, sáng tạo trước năm 1975; bản thảo tác phẩm văn học, bản gốc tác phẩm tạo hình, nhiếp ảnh có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật... Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-2-2013.

 Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2013

 Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2013 diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 23 đến 26-1, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Nghệ thuật hát Văn, còn gọi là hát bóng, là loại hình cổ truyền, xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hát Chầu Văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn: hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền. Trong hát văn, hình thức lễ nhạc được  gắn  với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Ðạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Ðức Thánh Trần (Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo). Ở đây âm nhạc mang tính tâm linh cùng  các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.  Ðược biết nghi lễ Chầu Văn của người Việt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt một.