Sau khi các hội viên, trong đó có bà Phạm Thị Như Anh - nhân vật trong tác phẩm "Mãi mãi tuổi hai mươi", nhà văn Nguyễn Văn Thọ,... đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho dự thảo điều lệ Hội.
Đại hội đã nhất trí thông qua điều lệ gồm 19 điều khoản khẳng định Hội là một tổ chức xã hội hoạt động với mục đích giữ gìn và phát huy những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của dân tộc, truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ con cháu, phát triển nghề thủ công truyền thống của Việt Nam trong cộng đồng giúp cho đời sống văn hóa vật chất và phi vật chất của người Việt ở Đức thêm đa dạng và phong phú; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè Đức và quốc tế nhằm tăng thêm hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Đức.
Về phương hướng công tác trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hội có kế hoạch phối hợp với các hội đoàn khác tổ chức các hình thức sinh hoạt lễ tết hàng năm của cả hai nền văn hóa Việt Nam và Đức; xây dựng quan hệ và mở rộng giao lưu với các đối tác văn hóa Đức để tăng cường uy tín cho Hội; tổ chức các phong trào sinh hoạt văn hóa quần chúng như lập câu lạc bộ đọc sách, thi văn nghệ, Karaoke, khiêu vũ, thơ ca,... để quy tụ bà con trong những sinh hoạt cộng đồng và hướng về quê hương đất nước.
Phát biểu tại Đại hội, bà Phan Ý Nhi đánh giá cao sáng kiến thành lập hội và những mục tiêu hoạt động rất có ý nghĩa của hội. Hội văn hóa người Việt ra đời góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Hội văn hóa người Việt sẽ là một mắt xích văn hóa quan trọng, nối vòng tay lớn với 60 hội đoàn người Việt hiện có ở Đức trong mọi hoạt động cộng đồng. Bà Phan Ý Nhi mong rằng Hội văn hóa Việt sẽ có những đóng góp thiết thực cho chương trình hoạt động của Sứ quán trong năm đỉnh cao 2010 kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 9 thành viên và kết thúc bằng một chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc quần chúng mừng Đại hội thành công.