Thanh Hóa tạo nguồn thu, linh hoạt trong điều hành ngân sách

Quan tâm phát triển nguồn thu, chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh Thanh Hóa nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phấn đấu tự cân đối được thu-chi ngân sách.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.

Nuôi dưỡng phát triển nguồn thu

Mấy năm trở lại đây tỉnh Thanh Hóa thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích khai mở, phát triển tuyến vận tải container quốc tế. Ngân sách tỉnh chi thực hiện chính sách gần 10 tỷ đồng/năm 2019 nhưng tăng thu được hơn 600 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Năm nay, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hạ tầng cảng biển, giao thông kết nối đầu tư chưa đồng bộ nhưng khai thác tuyến vận tải container quốc tế ước đạt khoảng 400 tỷ đồng. Theo phân tích của cơ quan chức năng, với mức hỗ trợ 700 nghìn đồng/container 20 feet, một triệu đồng/ container 40 feet; trong năm 2021 ngân sách tỉnh dự kiến chi hỗ trợ khoảng 17 tỷ đồng thu hút khoảng 18 nghìn đến 19 nghìn container hàng hóa qua cảng Nghi Sơn, tăng thu cho ngân sách 900-1.000 tỷ đồng từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Sau nhiều năm nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nhiều dự án đầu tư vào khu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong đó Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp nên thu thuế xuất nhập khẩu đã đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng. Về lĩnh vực này, nguồn thu chủ yếu do nhập khẩu dầu thô phục vụ dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, máy móc, thiết bị tạo tài sản cho các dự án đang thi công xây lắp, khai thác tuyến vận tải container quốc tế.

Thanh Hóa tạo nguồn thu, linh hoạt trong điều hành ngân sách -0
Tàu vận tải hàng hóa bằng container cập cảng biển Nghi Sơn 

Là điểm đến của nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn, kéo theo giá đất biến động tăng và Thanh Hóa sớm ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất vào đầu năm 2020 làm cơ sở để các ngành, địa phương thực hiện trình tự, thủ tục, đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, cơ quan chuyên ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế, gian lận thương mại, quyết liệt thực thi các biện pháp thu nợ đọng thuế. Theo đó, tổng thu tiền sử dụng đất đạt 6.900 tỷ đồng, bằng 145% dự toán và chiếm hơn 35% tổng thu nội địa của tỉnh. Thanh Hóa rà soát, đánh giá, thí điểm lắp đạt hệ thống camera giám sát từ mỏ, tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền được phân cấp nên tổng thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 133% dự toán; thu quỹ đất công ích, hoa lợi công sản đạt 160% dự toán. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh quan tâm nuôi dưỡng phát triển nguồn thu, đưa vào diện quản lý, khai thác nguồn thu phát sinh nên tổng thu ngân sách khối huyện ước đạt 10.690 tỷ đồng, bằng 134% dự toán. Năm 2020 thu ngân sách nhà nước tỉnh Thanh Hóa đạt 28.967 tỷ đồng, bằng 100% dự toán giao.

Thanh Hóa tạo nguồn thu, linh hoạt trong điều hành ngân sách -0
 Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp

Chi cho phát triển, an sinh xã hội.

Đi đôi với việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tỉnh Thanh Hóa sớm thông báo vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án đủ điều kiện giao vốn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có nguồn kinh phí sớm triển khai thực hiện dự án. Với tổng kế hoạch vốn đầu tư công 11.598 tỷ đồng, tính đến ngày 20-11 giá trị khối lượng thực hiện đạt hơn 9.321 tỷ đồng, bằng gần 80% kế hoạch; giải ngân đạt gần 9.859 tỷ đồng, bằng 84,2% kế hoạch, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nhanh. Đầu tư công bảo đảm tiến độ, khối lượng thực hiện, huy động đầu tư từ các thành phần kinh tế đạt cao đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,08% trong bối cảnh ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19 và thời gian dịch bùng phát trở lại, lây lan ra cộng đồng, tỉnh Thanh Hóa tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt phòng, chống dịch. Cùng với việc ưu tiên phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hóa kịp thời bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong dự toán năm 2020 để có nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Thanh Hóa đã chi 152 tỷ đồng thực hiện chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch, chi 734 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP. Cơ quan chức năng trong tỉnh cũng rà soát giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, tăng cường quản lý hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành tại doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, xử lý tài sản công; ban hành quy định, tiêu chuẩn, định mức xe ô-tô chuyên dùng trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý. Theo đánh giá, chi thường xuyên được quản lý chặt chẽ, theo đúng các quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ; bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng chế độ, chính sách. Với nhóm các chế độ, chính sách cho con người, bảo đảm an sinh xã hội được giao ngay trong dự toán đầu năm để các địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Các chế độ tiền lương, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người có công với cách mạng và thân nhân, người hưởng lương bảo hiểm, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Năm 2020, tổng chi ngân sách nhà nước ở Thanh Hóa ước thực hiện hơn 37 nghìn tỷ đồng, bằng 105% dự toán, tăng 5% do nguồn Trung ương bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và tăng huy động nguồn thu từ đất để chi đầu tư phát triển.

Thanh Hóa tạo nguồn thu, linh hoạt trong điều hành ngân sách -0
 Thành phố Thanh Hóa là điểm đến của nhiều nhà đầu tư bất động sản.