Có bảy sản phẩm được đánh giá, xếp hạng, trong đó ba sản phẩm đạt chất lượng bốn sao gồm: "Tổ yến sào", "Tổ yến chưng" và "Giỏ trái đất"; các sản phẩm đạt chất lượng ba sao gồm: "Miến Gạo Phúc Thịnh", "Tương Xuân Pha", "Trà xanh túi lọc Bình Sơn" và "Mắm tép đặc biệt Tác Huy". Các sản phẩm sau khi xếp hạng sẽ được các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng các chủ thể tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, thiết kế bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm theo quy định và tổ chức quảng bá rộng rãi trên thị trường.
Các sản phẩm OCOP chất lượng cao là kết quả của nhiều đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, đồng thời hình thành các điểm du lịch làng nghề, sản phẩm du lịch mũi nhọn. Ðồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế; tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất được hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có 155 làng nghề, trong đó có 47 làng nghề truyền thống với 23 nghề truyền thống đã được công nhận; có 76 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng, trong đó có một sản phẩm lọt vào vòng chung khảo xét sản phẩm OCOP quốc gia. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2021 là sẽ có thêm 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận.
* Cần Thơ tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả giáo dục
Sau bốn năm thực hiện mô hình "Trường điển hình đổi mới" (2017 - 2020), ngành giáo dục TP Cần Thơ bước đầu tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Tính đến năm 2020, trên địa bàn thành phố có 53 trong số 454 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được chọn triển khai thực hiện mô hình "Trường điển hình đổi mới". Theo báo cáo của ngành giáo dục thành phố, học sinh của các "Trường điển hình đổi mới" tham gia các kỳ thi, hội thi, cuộc thi với số lượng ngày càng nhiều và chất lượng không ngừng nâng cao. Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh đoạt giải cao cấp quốc gia và quốc tế.
Mô hình "Trường điển hình đổi mới" tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, giáo viên biết cách hướng dẫn học sinh hoạt động: học cá nhân, học theo nhóm, đồng thời theo dõi, giám sát, đánh giá, hỗ trợ từng học sinh; giáo viên biết tổ chức một môi trường tích cực, cởi mở để bảo đảm cho học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ và chủ động nắm bắt kiến thức mới. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tận dụng khả năng tổ chức các hoạt động để giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống. Về phía học sinh, biết tự học cá nhân, làm việc trong nhóm theo tài liệu hướng dẫn và hướng dẫn của thầy cô. Học sinh chủ động trong các hoạt động học tập, có nhiều ý kiến đề xuất với thầy, cô giáo trong việc tìm tòi, lĩnh hội kiến thức, thay vì bị động như hình thức cũ. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học là một trong những điểm nhấn của mô hình này. Cụ thể, tất cả môn học đều được đánh giá bằng nhận xét; học sinh được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau.