Thanh Hóa: Nông dân bỏ hơn 1.000 ha đất nông nghiệp

NDO -

NDĐT - Báo cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa ngày 22-11 cho thấy: Thống kê đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh bỏ 1.004 ha đất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích hoang hóa.

Xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa có 50 ha đất nông nghiệp bỏ hoang do thu hồi đất không đồng bộ, nguồn nước ô nhiễm, tắc kênh tiêu.
Xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa có 50 ha đất nông nghiệp bỏ hoang do thu hồi đất không đồng bộ, nguồn nước ô nhiễm, tắc kênh tiêu.

Một số huyện có đất ruộng bị bỏ hoang với diện tích lớn như: Nga Sơn 403 ha, Tĩnh Gia 285 ha, Hậu Lộc 126 ha. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng nông dân bỏ ruộng là do thu nhập từ canh tác nông nghiệp thấp. Bình quân thu nhập từ một sào lúa chỉ đạt 700 nghìn đến 800 nghìn đồng/sào/vụ; vùng lúa năng suất chất lượng cao đạt 1,1 đến 1,2 triệu đồng/sào/vụ.

Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa thu hút một bộ phận nông dân vào các cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung, dần thoát ly nông nghiệp hoặc đi làm ăn xa theo thời vụ và việc phát triển các cơ sở công nghiệp, làng nghề, du nhập thêm nghề mới vào nông thôn đem lại thu nhập cao hơn nên nông dân bỏ ruộng.

Đặc biệt, nhiều diện tích bị thu hồi đất không đồng bộ để xây dựng khu kinh tế, thực hiện các dự án, không hoàn trả công trình giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nên nhiều diện tích canh tác bị kẹt giữa các mặt bằng không thể canh tác được hoặc bị ô nhiễm môi trường, gia tăng sâu bệnh gây hại cây trồng.Tại huyện Nga Sơn thời gian gần đây cói rớt giá, thị trường tiêu thụ khó khăn, đồng đất bị sa bồi tôn cao, khu vực trũng bị nước mặn xâm nhập nên nông dân bỏ ruộng hoang hóa tới hơn 390 ha.

Trong khi đó, nhiều địa phương thu các khoản đóng góp theo đầu sào nên thu nhập bình quân của lao động gắn bó với ngành trồng trọt đã thấp lại càng thấp thêm. Theo Thanh tra tỉnh, phần lớn các xã được thanh tra đã xây dựng thu đóng góp trên đầu khẩu, đầu sào và đầu học sinh; nhiều xã thực hiện thu không đúng quy định Pháp lệnh dân chủ số 34/2007/PL-UBTVQH11. Tỷ lệ các xã thu đóng góp sai quy định xảy ra ở nhiều huyện như: Nga Sơn 10/15 xã; Đông Sơn 5/8 xã; Hoằng Hóa 6/14 xã; Như Thanh có 6/10 xã; Lang Chánh 3/5 xã; Thạch Thành 4/10 xã; thị xã Bỉm Sơn 6/7 xã, phường.

Thu các khoản đóng góp quá khả năng kinh tế của nhân dân điển hình là xã Hà Vinh, huyện Hà Trung thu đóng góp tới 20 khoản, trong đó UBND xã thu 17 khoản, HTX dịch vụ nông nghiệp thu ba khoản. Riêng thôn 11, bình quân mỗi hộ đóng góp tới 25 khoản và trong năm 2012 mỗi hộ đã đóng góp 1.216 kg thóc, tương đương hơn 6 triệu đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Như Tuấn cho rằng: Phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ ngành trồng trọt nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một ha canh tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác diện tích nông dân bỏ hoang hóa. Cái khó là bỏ ruộng nhưng nông dân mới trả 84 ha nên rất khó dồn quỹ đất tập trung và phải có cơ chế chính sách thông thoáng hơn nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, khai thác hiệu quả diện tích đất này.