ND - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Ðiện Biên Phủ đến đó. Tiếng Ðiện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó..."(1).
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông với đặc trưng "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", lại có vị trí chiến lược quan trọng trên dải đất hình chữ S. Trong kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa là một cái nôi của các hoạt động "văn hóa kháng chiến". Ðồng bào Thanh Hóa từng đùm bọc, chở che cán bộ, các cơ quan T.Ư, Hà Nội, nhân dân các địa phương vùng bị địch chiếm đóng tản cư, thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Nhiều trường chuyên nghiệp T.Ư được xây dựng, phát triển ở Thanh Hóa, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức cách mạng cho kháng chiến, kiến quốc. Trong chiến cục Ðông xuân 1953-1954, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Theo TS Ðỗ Hữu Thích, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong Chiến dịch Thượng Lào, Thanh Hóa đã huy động 300 nghìn người tham gia, chiếm 27% số cử tri lúc bấy giờ và Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 12 vạn dân công, 11 nghìn xe đạp thồ, 1.300 thuyền các loại tham gia vận tải hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, khí tài lên Ðiện Biên(2).
Tài liệu tổng hợp của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: Thanh Hóa đã huy động 120.254 dân công dài hạn, 76.670 dân công ngắn hạn, vận chuyển 50% khối lượng lương thực, 40% khối lượng thực phẩm phục vụ chiến dịch. Riêng năm 1954, Thanh Hóa đã huy động được gần 35 nghìn tấn lương thực, vượt chỉ tiêu giao 7 nghìn tấn(3). Cũng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, 5,6 vạn thanh niên trong tỉnh đã lên đường nhập ngũ. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bổ sung một tiểu đoàn, hai đại đội, hai trung đội và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu. 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" càng làm ngời sáng tinh thần xả thân vì nước của quân, dân tỉnh Thanh, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy Ðiện Biên, chấn động địa cầu". Những tấm gương các anh hùng, liệt sĩ Trần Ðức, Lê Công Khai, Trương Công Man, Tô Vĩnh Diện... và hàng nghìn dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa ngã xuống trên các nẻo đường chiến dịch, tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của quê hương, đất nước ta.
Sau ngày hòa bình lập lại, Thanh Hóa cùng nhân dân nửa nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền bắc. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến như Ðông Phương Hồng, Xuân Thành, Yên Trường, Ðịnh Công, HTX cơ khí Thành Công. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần vào thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân Thanh Hóa hoặc gửi thư khen, động viên đồng bào, chiến sĩ hăng hái tăng gia sản xuất, chắc tay súng bảo vệ thành quả CNXH, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, trung đội dân quân gái Hoa Lộc, các dũng sĩ làng Yên Vực cùng lực lượng vũ trang lúc bấy giờ đã viết tiếp bản hùng ca đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng Nam Ngạn - Hàm Rồng các ngày 3, 4 tháng 4 năm 1965 với thành tích bắn rơi, bắn cháy 31 máy bay Mỹ là khúc dạo đầu của trận "Ðiện Biên Phủ trên không" ở Thủ đô Hà Nội, góp phần cùng quân dân cả nước đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, thu non sông về một mối.
Ðồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ðảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗ lực xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, như mong muốn của Người lần đầu về thăm tỉnh. Phát huy lợi thế từng vùng, miền, Thanh Hóa đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh kinh tế lâm nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh cây lương thực cao sản, đánh thức đồng triều, tiến ra biển khai thác nguồn lợi thủy sản đi đôi với mở rộng quy mô chế biến, xuất khẩu, phát triển đa dạng dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,6%. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Ðến nay, độ che phủ thực vật đạt 46%, toàn tỉnh có 3.687 trang trại, gần 5.000 doanh nghiệp. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp từ 77,2% năm 2005, giảm xuống còn 63% cuối năm 2008; lao động qua đào tạo tăng từ 27% lên 33,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 574 USD. Ðảng bộ, chính quyền tỉnh đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ hộ nghèo, cải thiện khó khăn về nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông, huy động các ngành, đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo, giúp đỡ, vận động đồng bào Mông định canh, ổn cư, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống cho nhân dân các địa phương bị thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Thanh Hóa cũng là nơi khởi xướng, nhân rộng nhiều phong trào thi đua như phong trào xây dựng làng văn hóa; gia đình, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. 66% số đơn vị trong tỉnh đã khai trương xây dựng làng, bản, khu phố, xã, cơ quan văn hóa; 66,5% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 15% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Nhiều năm qua, Thanh Hóa là một trong những trung tâm thể dục - thể thao (TDTT) mạnh trên toàn quốc. Cùng với việc thực hiện rà soát, quy hoạch đất đai, quản lý theo quy hoạch, nhiều địa phương quan tâm dành quỹ đất phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao, tăng cường thiết chế văn hóa, thể thao. Tập luyện TDTT trở thành nhu cầu thường xuyên không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ðảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương trở thành tỉnh kiểu mẫu, thỏa lòng mong muốn của Bác Hồ khi lần đầu Người vào thăm, nói chuyện với đồng bào Thanh Hóa ngày 20-2-1947.
MAI LUẬN
-------------------
(1) - Theo Lịch sử đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (1930 - 1954), nghiên cứu biên soạn năm 1999 - 2000, trang 295.
(2) - Theo tham luận "Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác xây dựng tỉnh kiểu mẫu" của đồng chí Ðỗ Hữu Thích trong sách "Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa biên soạn, NXB Lao động 1998.
(3) - Số liệu này dẫn theo tài liệu tuyên truyền 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và đề cương tuyên truyền 55 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ do Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa biên soạn, đã được Chủ nhiệm Chính trị phê chuẩn, ban hành có đối chiếu với lịch sử Ðảng bộ tỉnh.