Hơn hai năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, có 46 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại ở Thanh Hóa để vay vốn đóng mới 23 tàu vỏ thép, 23 tàu vỏ gỗ. Đến ngày 30-11 năm nay các ngân hàng thương mại đã giải ngân được gần 447 tỷ đồng nên có 38 tàu đã hạ thủy, trong đó 22 tàu đã đi vào hoạt động. Nhìn chung các tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần vỏ gỗ đưa vào khai thác có hiệu quả cao. Ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, sau ba chuyến vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, tàu làm nghề lưới vây của anh Đỗ Văn Lai lãi ròng một tỷ đồng, tàu lưới chụp mực của anh Phạm Văn Đông lãi ròng 1,7 tỷ đồng. Ở xã Quảng Cư, sau 10 chuyến biển, tàu của anh Nguyễn Văn Đệ đạt lãi ròng 1,6 tỷ đồng; tàu lưới chụp của anh Viên Đình Hiền đạt lãi ròng 1,2 tỷ đồng sau tám chuyến bám biển đánh bắt hải sản. Gần hai năm qua có thêm 923 chủ phương tiện mua bảo hiểm thân tàu, 7.205 lao động mua bảo hiểm thuyền viên. Chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện cho ngư dân từng bước hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghề cá, yên tâm vươn khơi, bám biểm, tổ chức đánh bắt hải sản gắn với thu mua, chế biến, nâng cao thu nhập người cho lao động.
Dù vậy số lượng tàu được hạ thủy còn ít, vẫn còn tình trạng sử dụng máy cũ đã qua sử dụng; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nghị định đến với ngư dân còn hạn chế. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hiện hành về phát triển thủy sản; các ngân hàng tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá. Cùng với việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiệm cận chính sách tín dụng, thẩm định hồ sơ vay vốn, Thanh Hóa tiếp tục rà soát, lựa chọn, bổ sung các chủ tàu đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đóng tàu công suất lớn vươn tới ngư trường xa bờ; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật để lao động nghề cá tổ chức khai thác, bảo quản hải sản hiệu quả, gắn với bảo quản tốt, chế biến sâu.