Thanh Hóa dồn sức bảo vệ đê, khắc phục hậu quả mưa lũ

NDO - Mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to gây ách tắc giao thông cục bộ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Các địa phương, nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhân dân Thanh Hóa nỗ lực gia cố đê sông Chu.                     
Nhân dân Thanh Hóa nỗ lực gia cố đê sông Chu.                     

Thượng du khắc phục mưa lũ

Cho đến sáng 8-9, tỉnh lộ 520 lên huyện Mường Lát còn ách tắc giao thông do tuyến đường đang thi công, một số điểm ta-luy dương bị sạt lở. Lở núi làm sáu người dân tại bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn bị thương. Cấp ủy, chính quyền huyện, xã chủ động trợ giúp các hộ dân ổn định cuộc sống; huy động phương tiện, nhân lực của các doanh nghiệp tham gia ủi, gạt đất đá sạt lở, sớm thông xe tuyến đường độc đạo lên huyện vùng cao Mường Lát. Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Lê Văn Cường cho biết: Lũ lớn làm sập, trôi 77 nhà dân, sạt lở đất đá núi làm chết ông Vi Văn Hom ở bản Muống, xã Yên Khương và anh Lò Văn Cảnh ở bản Vặn, xã Yên Thắng. Hiện, chính quyền huyện đã hỗ trợ mỗi gia đình mất nhà ở (một triệu đồng), gia đình có người thân bị chết (4,5 triệu đồng), đồng thời huy động lực lượng tại chỗ giúp dân dựng lều lán ở tạm, dồn ở với anh em huyết tộc, ra quân làm vệ sinh môi trường xử lý bùn rác, sử dụng thuốc tẩy khử trùng bảo đảm nguồn nước sạch sinh hoạt. Huyện điều động ba phương tiện cơ giới ủi, xúc đất, thông tuyến đường Lâm Phú-Tam Văn, Giao An-Giao Thiện; tuyến đường từ thị trấn huyện lỵ lên các xã Yên Khương, Yên Thắng còn ách tắc do hạt giao thông chậm xử lý. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tổ chức chữ thập đỏ, chính quyền cơ sở đã thăm hỏi, trợ giúp hai gia đình có người thân bị chết gần 10 triệu đồng và đưa một xe ô-tô chở mì tôm trợ giúp nhân dân xã Lương Sơn. Ðiều đáng nói là ba trường học trong xã bị ngập nặng, không kịp chuyển thư viện sách, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy và học, cho nên thầy, cô, học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi trở lại trường. Cùng ngày, Tỉnh đoàn Thanh Hóa điều động lực lượng thanh niên xung kích trợ giúp nhân dân, giáo viên, học sinh cải thiện khó khăn trong sinh hoạt, học tập, ra quân làm vệ sinh trường học, khu dân cư.

Miền xuôi nỗ lực chống úng, gia cố đê điều

Trở lại huyện Nông Cống những ngày này, diện tích chuyên trồng lúa ở chín xã vùng 3 phía đông nam của huyện trắng một mầu nước. Do chưa có công trình trị thủy cho nên trong số hơn 2.000 ha lúa khu vực này, có tới hơn 1.300 ha lúa bị ngập nước. Ông Nguyễn Văn Tới, ở thôn 10, xã Thăng Bình phàn nàn: Sáu nhân khẩu trông cả vào một mẫu ruộng, giờ bị ngập nước hoàn toàn, không còn khả năng cho thu hoạch cho nên tôi đang tính tìm hướng đi làm ăn xa. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nông Cống Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Giải pháp trị thủy cho chín xã vùng 3 của huyện Nông Cống nằm ngoài khả năng của huyện và tỉnh. Trước mắt, huyện Nông Cống tiếp tục chỉ đạo chín trạm bơm tiêu úng, tổng công suất 23.400 m3/giờ, hoạt động 24/24 giờ trong ngày nhằm bảo vệ tốt 8.500 ha lúa vùng nội đồng, triển khai làm vệ sinh môi trường sau khi nước rút, phòng dịch bệnh có thể xảy ra và phấn đấu gieo trồng 3.600 ha cây có hạt, hoa màu trong vụ đông tới. Mưa to trong mấy ngày qua làm nước sông Hoạt chảy qua huyện Hà Trung lên cao, tràn cục bộ, gây sạt lở nhiều đoạn đê thuộc các xã Hà Giang, Hà Bắc, Hà Tiến, Hà Tân. Nhân dân cùng các lực lượng xung kích ở các địa phương đang tham gia chống tràn, xử lý sự cố đê. 40 phương tiện cơ giới được huy động xúc, chở đất đá gia cố đê, cho nên các điểm đê bị tràn, sạt lở, cơ bản được khắc phục.

Ðến với huyện Thiệu Hóa, lũ trên sông Chu đang rút nhưng tại km24+400 đến km 24+470 đê tả sông Chu thuộc địa phận xã Thiệu Vũ. Ðược biết, tuyến đê được kè lát từ năm 1998 nhưng hiện đã xuống cấp và trong mấy ngày mưa lũ phát sinh cung trượt, sạt lở đê dài 70 m. Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ Nguyễn Quang Sinh cho biết: Ngoài 11.000 m3 đá hộc, 500 m3 đá một, hai tỉnh dự trữ, chính quyền xã chuẩn bị 2.000 cọc tre, 200 rọ thép, 1.200 tre bụi, 1.000 m2 bạt cùng phên liếp, rơm rạ sẵn sàng đối phó với tình huống bất thường có thể xảy ra. Trước hiện tượng sạt cơ đê, chính quyền xã đã huy động nhân lực, phương tiện cơ giới, bốn thuyền vận tải, sử dụng khoảng 500 m3 đá hộc bỏ trong rọ sắt gia cố chân đê, tạo con chạch nắn dòng chảy, hạn chế triều cường đâm thẳng vào vị trí sạt lở. Qua hai ngày gia cố đê, hiện, lực lượng thường trực đã thực hiện được 70% khối lượng công việc; điểm đê xung yếu được gia cố, bảo đảm khả năng đối phó với những trận lũ kế tiếp. Ðược biết, huyện Thiệu Hóa có tới bốn điểm phát sinh sự cố đê và có hai người chết đuối do mưa lũ.

Sở GTVT đang nỗ lực xử lý các điểm giao thông ách tắc do sạt lở đất. Ngành y tế hỗ trợ tám cơ số thuốc, hóa chất cho các huyện điều trị dự phòng, xử lý vệ sinh môi trường sau lũ. Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục gia cố, tu bổ các điểm đê xung yếu, chủ động đối phó với thiên tai. Tỉnh yêu cầu các công ty, xí nghiệp thủy nông nỗ lực bơm nước tiêu úng cứu lúa, hoa màu, bảo đảm năng suất, sản lượng thu hoạch vụ thu mùa, giữ vững an ninh lương thực, ổn định đời sống nhân dân.