Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với cơn bão Noru

NDO - Ngày 24/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương, chủ hồ đập tổ chức triển khai và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26/9.
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn trước ngày 26/9.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn trước ngày 26/9.

Theo dự báo, bão Noru là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền trung, trong đó trực tiếp đến Thừa Thiên Huế, gây ra gió mạnh, sóng lớn kèm nước dâng do bão và mưa lớn, có nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng, ngập úng các khu đô thị.

Trước nguy cơ bão Noru ảnh hưởng trực tiếp lên địa bàn, sáng 24/9, UBND Thừa Thiên Huế phát đi công điện khẩn chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương khẩn trương, chủ động công tác ứng phó với bão Noru.

Trong đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không lơ là, chủ quan, trước mọi tình huống thiên tai.

Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trước 7 giờ ngày 26/9/2022; tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.

Các cơ quan, địa phương khẩn trương gia cố bảo đảm an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện…; rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm, ngập úng đô thị.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, bảo đảm an toàn đập.

Sở Xây dựng chủ động phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, cột ăng-ten, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp, nhà cao tầng), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi mưa bão xảy ra.

Sở Công thương và các địa phương tổ chức kiểm tra công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư, thiết bị; chỉ đạo các nhà máy thủy điện tổ chức vận hành bảo đảm an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định.

Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương gia cố bảo đảm an toàn cơ sở giáo dục, trường học. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra, vận hành hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn.

Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão đặc biệt là khu vực Chân Mây - Lăng Cô để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp kiểm tra chằng chống, bảo vệ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng hơn 2.000 phương tiện tàu thuyền khai thác đánh bắt thủy hải sản với khoảng hơn 10.000 lao động trực tiếp trên biển, tại vùng đầm phá và 10.000 lao động nội đồng. Ngoài ra, còn có số lượng bán chuyên nghiệp theo thời vụ khác.