Thanh Hóa chủ động phòng chống dịch, bảo đảm an toàn để sản xuất

NDO -

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 17 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và khối doanh nghiệp đóng góp hơn 50% GRDP của tỉnh. Chủ động phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp ở Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Người lao động làm việc tại Công ty may Tiên Sơn ở khu công nghiệp phía bắc tỉnh Thanh Hóa.
Người lao động làm việc tại Công ty may Tiên Sơn ở khu công nghiệp phía bắc tỉnh Thanh Hóa.

Chủ động phòng, chống dịch

Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam có cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Hoàng Long ở thành phố Thanh Hóa, hiện tạo việc làm cho  11 nghìn lao động, thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng. Để  chủ động phòng, chống dịch Covid-19, cùng với việc phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Thanh Hóa quản lý, kiểm soát chặt các chuyên gia nhập cảnh, làm việc tại công ty, doanh nghiệp, lắp camera kiểm tra thân nhiệt, buồng khử khuẩn đầu vào khu vực sản xuất, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, yêu cầu người lao động thực hiện tốt quy định 5K.

Tổ chức công đoàn tham mưu cho chủ sử dụng lao động phân ca, giãn số lượng người làm việc tập trung; thành lập 10 tổ An toàn Covid-19 tuyên truyền, hướng dẫn người lao động thực thi các biện pháp phòng, chống dịch, phát hiện kịp thời người có yếu tố dịch tễ liên quan, đề xuất chủ sử dụng cho người lao động tạm nghỉ việc, vẫn trả lương tối thiểu vùng cho người phải nghỉ việc để chống dịch.

Chị Cao Thị Hiền, Tổ trưởng tổ An toàn Covid-19 cho biết, các thành viên trong tổ hướng dẫn người lao động cài đặt phần mềm Bluzone, mã QR khai báo y tế, thiết lập nhóm zalo trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình sức khỏe, chấp hành các quy định phòng chống dịch, bảo đảm an toàn lao động. Tổ An toàn Covid-19 còn phối hợp chặt chẽ với mạng lưới kiểm soát dịch bệnh, cơ sở y tế trong doanh nghiệp phát hiện kịp thời người có yếu tố dịch tễ liên quan, thực hiện cách ly y tế, đề xuất giải quyết chế độ chính sách hiện hành đối với người lao động phải nghỉ việc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Ở Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có 411 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 96 nghìn lao động. Bảo đảm an toàn để sản xuất, hơn 70 doanh nghiệp đã thành lập 349 Tổ an toàn Covid-19. Hằng ngày, gần 1.400 thành viên Tổ an toàn Covid-19 kiểm tra, đo thân nhiệt cho công nhân lao động, theo dõi sức khỏe của các thành viên trong tổ; tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn người lao động thực hiện các biện pháp 5K; phối hợp rà soát, truy vết trường hợp có yếu tố  dịch tễ liên quan, thực thi biện pháp can thiệp y tế kịp thời. Công đoàn còn tham mưu thành lập 47 Tổ an toàn Covid-19 trên các xe đưa, đón công nhân lao động, 11 tổ tại 140 khu nhà trọ cùng giám sát, đôn đốc thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thanh Hóa chủ động phòng chống dịch, bảo đảm an toàn để sản xuất -0
Ra mắt Tổ an toàn Covid-19 lưu động trên phương tiện chở công nhân của Công ty giày ANNORA Việt Nam.

Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Ngô Thế Anh chia sẻ: Công đoàn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, trực quan, sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin, khuyến cáo của cơ quan y tế về tình hình dịch bệnh, quy định “5K” tới hàng chục nghìn lượt công nhân lao động; vận động doanh nghiệp lắp vách ngăn trên bàn ăn, trang bị máy/thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, phun khử khuẩn khu vực nguy cơ, xe đưa đón công nhân; hướng dẫn công nhân lao động cài đặt Bluezone trên điện thoại thông minh, khai báo y tế, đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách khi làm việc, ăn ca.

Ngoài ra, Công đoàn còn phối hợp doanh nghiệp đánh giá mức độ an toàn để triển khai hiệu quả “Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19”; cùng Ban quản lý hướng dẫn công nhân người tỉnh bạn đang làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; đàm phán, thương lượng với doanh nghiệp bảo đảm chế độ tiền lương khi người lao động phải nghỉ việc, cách ly y tế. Hiện thực hóa 5K+công nghệ+vaccine, cơ quan chức năng ở Thanh Hóa bố trí nguồn tài trợ, huy động tham gia tích cực, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 16.533 chuyên gia, công nhân, viên chức, người lao động.

An toàn để sản xuất

Nhờ phòng chống, kiểm soát, khống chế được dịch Covid-19 nên các tập đoàn, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố giãn cách chuyển đơn hàng về Thanh Hóa thực hiện; người lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Đi đôi với duy trì đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh; hướng dẫn người lao động, chủ sử dụng lao động tiệm cận các chính sách tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23/TTg, tỉnh Thanh Hóa động viên doanh nghiệp chủ động thực thi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn để sản xuất.

Cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt khó trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm doanh thu, việc làm; tình nguyện ủng hộ 45 tỷ đồng phòng chống Covid-19; thành lập 2.468 Tổ an toàn Covid-19 tại cơ sở sản xuất, mua gần 140 nghìn khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, hướng dẫn hơn 50 nghìn người lao động cài đặt Bluzone khai báo y tế.

Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa cũng thành lập 10 đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn khắc phục khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của doanh nghiệp, người lao động về bảo đảm sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống, tạo việc làm.

Thanh Hóa chủ động phòng chống dịch, bảo đảm an toàn để sản xuất -0
 Cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động để sàng lọc Covid-19.

Hơn 7 tháng qua, các nhà máy, cơ sở sản xuất tại tỉnh vẫn hoạt động bình thường; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,83%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng hơn 36%; thu ngân sách đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lũy kế đến đầu tháng 8 năm nay có 984 người lao động có yếu tố dịch tễ liên quan được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nghỉ việc; doanh nghiệp tự bố trí cho 2.343 công nhân nghỉ việc, trong đó có 2.323 người lao động nghỉ việc được hưởng lương. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ 3,2 tỷ đồng cho 11 nghìn đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn cho biết: Hơn 200 nghìn đoàn viên công đoàn làm việc trong các loại hình doanh nghiệp đạt thu nhập bình quân 5,8 triệu đồng/tháng. Hiện cần tuyển thêm khoảng 20 nghìn lao động nhưng một số doanh nghiệp chưa tuyển dụng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; người lao động đến từ nhiều vùng, miền trong tỉnh và tỉnh bạn nên khó kiểm soát dịch, bố trí làm việc giãn cách, thực thi phương án “4 tại chỗ” tại doanh nghiệp đông công nhân.

Liên đoàn lao động tỉnh hiện đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung cán bộ chuyên chuyên trách công đoàn vào diện ưu tiên tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động và sớm có văn bản hướng dẫn chi, thanh quyết toán giảm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo chính sách hiện hành để các doanh nghiệp áp dụng thống nhất.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19