Tập trung chỉ đạo sát sao
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được thành lập đã ban hành các văn bản triển khai, chỉ đạo sát sao, nghiêm túc và hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, huy động cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc.
Sở Nội vụ xây dựng phương án, đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, đảm bảo theo đúng quy định của Trung ương và phù hợp tình hình thực tế ở địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình và kết quả thực hiện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao. Kế hoạch triển khai được xây dựng chi tiết bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian.
Thời gian thực hiện gấp, phải tiến hành chặt chẽ, qua nhiều thủ tục, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND cấp huyện; Đảng ủy, UBND cấp xã đã nghiêm túc, kịp thời ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn và tích cực tổ chức các hội nghị bàn bạc, thống nhất các phương án sắp xếp, đảm bảo dân chủ, công khai, theo đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và phù hợp tình hình thực tế tại cơ sở. UBND cấp huyện xây dựng dự thảo Đề án sáp nhập đơn vị hành chính trực thuộc và tổ chức thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bảo đảm tiến độ.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ Nguyễn Thị Bích Hường chia sẻ, với khối lượng công việc nhiều lần đầu triển khai sắp xếp, Huyện ủy, UBND huyện và các ban, ngành tập trung triển khai, chỉ đạo bài bản, nỗ lực hoàn thành đạt kết quả tốt. Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách các cụm xã nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tăng cường tuyên truyền để cả cán bộ công chức và người dân thấy rõ lộ trình trong tương lai Tiên Lữ trở thành thị xã, đô thị hóa mạnh, nếu không sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã thì không đáp ứng được cả điều kiện về diện tích và dân số, từ đó đồng tình ủng hộ vì sự phát triển chung. Qua rà soát cũng đã tính toán phương án bố trí số cán bộ dôi dư và trụ sở bảo đảm hợp lý, tránh lãng phí.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định kết quả triển khai nhiệm vụ sắp xếp là một trong các yếu tố đánh giá, xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Ngoài Ban Chỉ đạo cấp huyện do Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ là Trưởng ban, cấp ủy cấp huyện tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp ở từng cặp đơn vị hành chính sáp nhập do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ là Trưởng ban và thành viên là lãnh đạo Đảng ủy, UBND cấp xã nhằm tăng cường chỉ đạo sát sao, hiệu quả.
Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023- 2025 được thực hiện tương đối đồng bộ với công tác quy hoạch nông thôn, đô thị và các quy hoạch khác có liên quan, đồng thời hướng tới quy hoạch tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tiến độ tại Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc sắp xếp thực sự cần thiết, nhằm mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị; đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp năng lực quản lý của chính quyền hiện hữu; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; đồng thời giải quyết các bất cập trong công tác quản lý địa giới hành chính, tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn. Quá trình triển khai sáp nhập có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, xem xét toàn diện, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng địa bàn, đảm bảo phù hợp các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính có liên quan. Đơn cử, phường Quang Trung và phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) có những yếu tố đặc thù, tương đồng, sáp nhập nhằm mục đích thống nhất quản lý của chính quyền địa phương, bảo tồn di sản văn hóa quốc gia đặc biệt, bảo tồn truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương nói riêng và “Hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng” nói chung, đồng thời bảo đảm sự phù hợp về truyền thống, văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của khu vực.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hưng Yên không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, thực hiện sắp xếp 42 đơn vị hành chính cấp xã và điều chỉnh 1 đơn vị hành chính cấp xã (do bất cập về địa giới hành chính), giảm 1 phường và 21 xã, sau sắp xếp còn 139 đơn vị hành chính cấp xã. Các xã, thị trấn thành lập sau sắp xếp đều đã được định hướng quy hoạch là đô thị mới, đô thị loại V hoặc đô thị loại IV; thuộc vùng lõi đô thị được quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị thuộc các thành phố, thị xã dự kiến thành lập trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch. |
Đẩy mạnh tuyên truyền
Công tác tuyên truyền được tăng cường dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan, bị tác động và ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn. Sở Nội vụ phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành tài liệu tuyên truyền gồm tất cả các thông tin cần thiết, quy định và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, được in ấn dưới hình thức như tờ rơi, in màu bắt mắt, ngắn gọn nhưng súc tích để người đọc dễ tiếp nhận.
Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri, Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả hoạt động đối với các tổ lấy ý kiến cử tri (từ 5 đến 7 người). Các tổ thực hiện linh động việc lấy phiếu và sử dụng lồng ghép 2 hình thức: mang phiếu đến từng hộ gia đình, tuyên truyền, vận động rồi thu phiếu luôn, nếu chưa lấy được phiếu luôn thì hẹn thời gian họ có ở nhà để đến thuyết phục rồi lấy phiếu.
Tỷ lệ trung bình cử tri đồng ý về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đạt 97,87%, thể hiện sự đồng thuận cao trong nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Tươi chia sẻ, rút kinh nghiệm từ sáp nhập thôn, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng để người dân thấu hiểu lợi ích của chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển. Cán bộ bám sát cơ sở tuyên truyền vận động, với những hộ dân còn băn khoăn thì kiên trì giải thích, thuyết phục. Việc đặt tên mới và lựa chọn trụ sở cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa.
Sau khi sắp xếp, Huyện Tiên Lữ sáp nhập 7 đơn vị hành chính thành 3 đơn vị hành chính mới, trong đó thành lập thị trấn Vương trên cơ sở nhập nguyên trạng xã Dị Chế, xã Ngô Quyền và thị trấn Vương. Ban đầu bà con xã Dị Chế chưa mặn mà với việc sáp nhập, bởi địa phương đang ổn định, cán bộ xã phục vụ dân tận tình, chưa kể lo lắng sau sáp nhập phải thay đổi giấy tờ, mỗi lần làm thủ tục hành chính phải đi ra thị trấn xa hơn, số đảng viên lên đến cả nghìn người khi hội họp thì hội trường nào đủ, quản lý địa bàn rộng ra sao…Công tác tư tưởng được chú trọng, trước hết trong đội ngũ cán bộ đảng viên, từ đó lan tỏa đến quần chúng nhân dân thấy rõ chủ trương sáp nhập thì địa bàn rộng hơn, phát triển kinh tế thuận lợi hơn, có nhiều cơ hội, tạo công ăn việc làm. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền tại các hội nghị, cuộc họp, qua loa truyền thanh, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng phó thôn nhiệt huyết khẩn trương vào cuộc. Phó thôn Dị Chế Nguyễn Thị Loan chia sẻ, chị tranh thủ tuyên truyền mọi nơi, mọi lúc, đi từng ngõ, gõ từng nhà, phân tích cho hội viên chi hội người cao tuổi, câu lạc bộ dân vũ hiểu rõ chủ trương sáp nhập để tinh giản biên chế, Nhà nước có thêm kinh phí ngân sách hỗ trợ nhân dân như xây dựng điện, đường, trường, trạm, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế- xã hội thuận lợi hơn. Khi đã hiểu rõ, bà con đồng tình ủng hộ, tỉ lệ cử tri đồng thuận đạt rất cao, mong muốn cán bộ thị trấn sau sáp nhập sẽ nỗ lực, tâm huyết nhiều hơn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh phát triển quê hương. Đa số cán bộ xã Dị Chế tuổi còn trẻ, có trình độ, hoài bão cống hiến nên lúc đầu không tránh khỏi tâm tư, Chủ tịch UBND Phạm Văn Phương động viên thay đổi môi trường làm việc cũng là cơ hội để “làm mới” mình mà vẫn cống hiến cho huyện nhà, bản thân mình cũng xác định phục tùng theo phân công của tổ chức.
Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của 42 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp là 1.251 người, sau sắp xếp 20 đơn vị hành chính mới được giao dự kiến 781 người, dôi dư 470 người. Tỉnh đã có phương án giải quyết cùng cơ chế, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính và 25 trụ sở dôi dư sẽ được giải quyết theo lộ trình. Cùng với đó, việc chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do sắp xếp đơn vị hành chính cũng được quan tâm nhằm tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục.