1. Nhiều năm qua, anh Hoàng Toàn Thắng (quận Tân Bình) luôn giữ thói quen ở cùng Thành phố trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Anh muốn lòng mình lắng lại, một mình xem những ký ức tươi đẹp trong tháng Tư lịch sử để nạp thêm năng lượng tích cực. Anh Toàn Thắng chia sẻ: “Trong ngày 30/4, tôi thường đi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, hay đơn giản chỉ là chạy vòng quanh những con đường trung tâm để nhìn mọi người đi lễ, vậy là vui rồi”.
Cách nay 47 năm, khi ba anh đang cùng đồng đội tiếp quản Sài Gòn-Gia Định sau Ngày giải phóng, anh Thắng đã cất tiếng khóc chào đời tại Hà Nội. Vì được sinh ra trong tháng ngày lịch sử của dân tộc, ông nội anh đã quyết định đặt tên đứa cháu của mình là Toàn Thắng. Khi gần hai tuổi, gia đình anh bắt đầu sum vầy tại Thành phố Hồ Chí Minh và gắn bó với thành phố này cho đến bây giờ.
Anh kể, sinh ra trong gia đình quân đội nên phẩm chất “con nhà lính” của anh đã được bộc lộ từ nhỏ. “Lớp hai, tôi đã được kết nạp Đội. Có lẽ vì sống trong gia đình quân đội, tôi học nghi thức đội rất nhanh nên đã được nhà trường chọn đi thi cùng với các anh chị lớp trên”, anh Hoàng Toàn Thắng cười, cho biết.
Lớn lên cùng Thành phố, anh Hoàng Toàn Thắng đã chọn cho mình con đường “ít giống ai” để cống hiến cho thành phố này. Anh từng công tác ở Trung tâm công nghệ thông tin VietinBank, làm kỹ sư thuộc Phòng Hỗ trợ kỹ thuật các chi nhánh phía nam, sau đó giữ vị trí Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính của VietinBank chi nhánh Thủ Thiêm. Anh tiếp tục làm Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của VietinBank Chi nhánh 10. Nhưng đến tháng 5/2012, anh bất ngờ quyết định xin chuyển về Đảng ủy Khối Ngân hàng làm chuyên trách Đảng.
Từ bỏ những vị trí mang lại thu nhập cao, anh Toàn Thắng đã chọn công việc mình yêu thích và muốn cống hiến hết mình cho đơn vị. Anh tâm sự, anh yêu thích công tác Đoàn từ nhỏ, và là nhân tố tích cực khơi dậy phong trào Đoàn tại địa phương cũng như trong đơn vị anh công tác. Khi đã qua tuổi Đoàn, anh lại muốn tiếp tục gắn bó với công tác Đảng. “Tôi thấy nhiều tổ chức cơ sở Đảng hoạt động không hiệu quả không phải do đảng viên phai nhạt lý tưởng, mà vì chưa biết phương pháp để khơi dậy tình yêu, lòng nhiệt huyết của người đảng viên. Và tôi muốn mình khơi lên ngọn lửa đó trong tổ chức Đảng ở đơn vị mình”, anh Hoàng Toàn Thắng bày tỏ.
Cùng sinh vào năm 1975, nhưng khác với anh Hoàng Toàn Thắng, chị Vũ Thị Thanh Hiền sinh ra tại vùng đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, vào đúng tháng Tư lịch sử. Chị Hiền cho biết, gia đình chị cùng trải qua bao thăng trầm với thành phố này nên tình yêu dành cho mảnh đất mình được sinh ra ngày càng được vun đắp, chưa bao giờ vơi đi.
“Có những giai đoạn thành phố gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân vô cùng vất vả. Tôi nhớ, mỗi sáng mẹ tôi phải đẩy xe đi bán từng ổ bánh mì, rồi về nhà làm từng viên than đá để nuôi gia đình”, chị Hiền kể lại.
Nhưng ngày tháng khó khăn cũng qua nhanh, Thành phố Hồ Chí Minh ngày thêm phát triển, vươn cao hơn, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, tốt đẹp hơn. Chị Hiền cho biết, chị yêu thích hoạt động phong trào từ nhỏ, và chị cũng là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở. Đến nay chị trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 4, quận 11, đã chứng kiến biết bao sự đổi thay mạnh mẽ của Thành phố mang tên Bác.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, chị Hiền cũng như bao đảng viên, cán bộ, và người dân đã dốc hết sức để “điều trị bệnh” cho thành phố, chăm sóc cuộc sống cho người dân trong những ngày cách ly kéo dài chưa từng có tiền lệ. “Trong những ngày tháng khủng khiếp ấy, có lúc tôi cũng gặp lúng túng vì công việc mới cứ tới dồn dập. Nhưng bản thân tôi chỉ cho phép mình được “bối rối” ít phút, rồi nhanh chóng xắn tay áo lao vào công việc”, chị Vũ Thị Thanh Hiền mỉm cười, kể lại.
Với chị Hiền, “cơn bão Covid-19” vừa qua là một “thử thách lớn” cho những người cán bộ như chị. Người cán bộ, đảng viên nào hết lòng vì dân, luôn biết hy sinh để bảo đảm cuộc sống an toàn cho dân thì sẽ vượt qua được thử thách, nhất là “thử thách lòng tin” của người dân.
2. Cơn bão Covid-19 rồi cũng qua. Thành phố Hồ Chí Minh trở lại với nhịp sống sôi động, hối hả như ngày nào. Sau cơn bệnh, thành phố như muốn bù đắp những ngày đau thương “không được là chính mình” nên đã nhanh chóng tăng tốc trên mọi mặt.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 360.002 tỷ đồng. Tuy vẫn còn giảm 1,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,9%) nhưng mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp dần và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương khi tình hình dịch trong nước cũng như tại thành phố đã ổn định, các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh.
Đặc biệt, các hoạt động du lịch, văn hóa đã khởi sắc mạnh mẽ, tạo nên sức sống mới cho thành phố. Sau hai năm, thành phố đón mừng ngày 30/4 trong không khí rộn ràng, với nhiều hoạt động ý nghĩa được diễn ra. Người dân hòa vào ngày hội của cả dân tộc với khí thế mới.
Sáng 30/4, Thành phố Hồ Chí Minh trở nên dễ chịu hơn sau cơn mưa lớn tối qua. Trước cổng Hội trường Thống Nhất, hơn 500 người đã diễu hành bằng xe đạp, mô-tô để chào mừng ngày non sông liền một dải. Đoàn đã diễu hành qua các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như: Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Bến Bạch Đằng, Thảo Cầm Viên..., tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong buổi sáng an lành.
Chị Hoàng Hương Giang, thành phố Thủ Đức chia sẻ, biết được hoạt động này, chị đã dẫn hai con gái tham gia diễu hình. Được trải nghiệm tham quan thành phố bằng xe đạp, mô-tô quả thật là mang lại cảm giác thú vị đối với chị. “Đã lâu rồi, kỳ nghỉ 30/4 ở thành phố mới sôi động như thế này. Người dân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí mà không còn cảm giác lo lắng, e ngại vì dịch bệnh như trước. Nhìn thành phố “sống lại”, tôi cũng như mọi người dân đều cảm thấy vui mừng, hạnh phúc”, chị Hoàng Hương Giang bày tỏ cảm xúc của mình.
Hòa vào không khí rộn ràng ấy, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã khai mạc hoạt động trưng bày chuyên đề “Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền nam” và triển lãm ảnh “Nụ cười Việt Nam”. Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, trưng bày chuyên đề nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, đôi bàn tay khéo léo, thể hiện đậm nét vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống và trong lao động. Với hơn 140 hiện vật và 35 hình ảnh. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hy vọng giới thiệu đến quý khách tham quan những khám phá mới mẻ và thú vị.
Song song đó, với mong muốn lan tỏa những năng lượng tích cực trong cuộc sống, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến quý khách triển lãm ảnh “Nụ cười Việt Nam”, trưng bày hơn 50 bức ảnh của các nhiếp ảnh gia và phóng viên, tất cả mang đến cho người xem những cảm xúc ấn tượng, ấm áp, tràn đầy sức sống.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, các Bảo tàng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nói riêng đã nhanh chóng chuyển mình, thích ứng với tình hình mới để tổ chức các hoạt động và mở cửa đón khách. Hiện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành dự án, cải tạo mở rộng với việc xây dựng các hạng mục thực hiện nội dung trưng bày mới, hiện đại. “Chúng tôi hy vọng rằng, đây sẽ là đại dịch đau thương, tàn khốc duy nhất trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi nhận thức khó khăn nào cũng hoàn thành phải cố gắng nỗ lực hoàn thành và thích ứng tình hình mới”, ông Nguyễn Quốc Chính chia sẻ.
Đến tham dự triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ có nhiều các bạn trẻ. Các em chăm chú nhìn những nông cụ của ông cha ta từ thời xa xưa, say sưa với những chiếc áo dài Việt Nam được trưng bài tại Bảo tàng. Trong mắt các bạn trẻ ánh lên những điều bất ngờ, thú vị. Bạn Nguyễn Minh Kỳ, lớp 11D, Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao cho biết: “Lần đầu đến bảo tàng, em và các bạn thật sự bất ngờ về những hiện vật được trưng bày ở đâyˮ. Qua từng vật dụng thô sơ, những người trẻ như Minh Kỳ đều cảm nhận sức sáng tạo và sự cần cù của thế hệ ông cha.
“Em nghĩ giới trẻ nên đến bảo tàng thường xuyên hơn để hiểu được giá trị lịch sử của dân tộc, của vùng đất phương nam và của thành phố này. Có hiểu được lịch sử thì người trẻ mới có được nền tảng vững chắc để bước vào tương lai”, Minh Kỳ tâm sự.
Đứng nhìn bức ảnh ghi lại nụ cười của lực lượng bác sĩ tình nguyện trong đợt dịch vừa rồi, bà Thái Thị Tuyến, quận 10 không khỏi xúc động. Bà cho biết, bà cũng từng trải quan khoảng thời gian khủng khiếp ấy vào đầu tháng 7, khi dịch Covid-19 bùng phát dự dội ở thành phố. Nhưng may mắn, bà đã qua khỏi nhờ sự chăm sóc tận tình của lực lượng bác sĩ tại bệnh viện Trưng Vương. Bà chia sẻ, nhìn lại những tác phẩm mang chủ đề “Nụ cười Việt Nam” bà cảm nhận được chính những nụ cười trong gian khó ấy đã giúp thành phố và đất nước mình vượt qua cơn đại dịch.
Với Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tuyến chia sẻ chính trong những ngày bão táp vừa qua, những gì cốt lõi, tốt đẹp nhất của người dân Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh đã được giữ vững, phát huy và lan tỏa. “Nghĩa tình, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của người dân thành phố đã giúp cho nụ cười trở lại nơi đây. Và thành phố sẽ nhanh chóng vươn xa hơn trong thời gian tới, cùng cả nước và vì cả nước”, bà Thái Thị Tuyến tự tin, mỉm cười.