Tôn sư trọng đạo
"Năm nào giỗ cha tôi đám học trò cũng về, kể cả các anh em đang ở xa Tổ quốc" - con trai của cụ Chính ở Bạch Hạc phái bộc bạch. Những học trò cũ của cha anh phiêu bạt mỗi người một nơi, người thì sang Pháp, sang Tiệp dạy võ sinh sống, người theo nghiệp khác như công an, bác sĩ. Nhưng cứ đến ngày giỗ thầy, họ lại quây quần đầy đủ bên nhau, cùng ôn lại thời khó khăn theo thầy tập võ, thậm chí có những người ở xa Tổ quốc, năm nào làm ăn khó khăn quá phải " nhịn" về Tết, chờ đến ngày giỗ thầy để về.
Câu chuyện họa sĩ Đỗ Tuấn để tang thầy Trần Văn Phùng được truyền bá trong làng võ như một tấm gương sáng cho các học trò thời nay. Thầy Phùng không có gia đình, vợ con, khi thầy ốm và mất, một tay người học trò Đỗ Tuấn đứng ra lo cho thầy tất cả, "còn tận tụy hơn cả con ruột" , như lời các võ sư đất Hà thành nhận xét.
Học võ - học làm người
Một thanh niên tên Trai quê ở Bắc Giang, tuổi 18, rất ngỗ ngược và ngang tàng. Bà bán quán nước vô tình nhìn vào mặt, anh thẳng tay đốt quán. Thanh niên trong làng lấm la lấm lét nhìn Trai, liền bị cho là "nhìn đểu" và anh xông vào đánh họ ngay. Ngày đầu tiên vào lớp của võ sư Bùi Văn Phong phái Sơn Đông Không Động, anh nói chuyện ầm cả một góc lớp. Thầy gọi Trai lên hỏi chuyện. Hỏi câu nào anh cũng trả lời trống không. Thầy cho Trai đấm thắng vào mặt để dạy cách đỡ, Trai thẳng tay đấm. "Nếu mình không cảnh giác thì cũng long óc, hoa mắt đấy. Nó đấm bằng tất cả sức lực của nó mà" - thầy Phong kể. Chẳng hiểu thầy dùng thế võ gì mà chính quả đấm ấy làm Trai tím mũi. Thầy cho đấm lần thứ hai, Trai thẳng tay đấm tiếp, thầy lại đỡ. Lần này, Trai tiếp tục nhận lại cú đấm trời giáng của mình. Thầy cho Trai đấm lần thứ ba, Trai đấm không chút ngần ngại. Cũng như các lần trước, cậu học trò nhận ngược trở lại cú đấm đó và ngã lăn xuống sàn nhà. Thầy cho Trai đánh lần thứ tư, Trai không dám cử động, mắt nhìn xuống đất, hai tay buông thõng. Kể từ đó người ta thấy Trai ngoan hẳn, về nhà biết giúp đỡ bố mẹ, lễ phép với ông bà, đến mức bố mẹ Trai phải nghỉ làm một buổi để đi xem mặt ông thầy giúp con mình đổi tính, đổi nết. Võ sư Đỗ Tuấn tâm sự, "học võ đánh người không khó, cái khó ở chỗ người ta nhận thức được điều gì sau khi luyện võ hàng ngày".
Vẫn còn đó biết bao giai thoại trong làng võ đất Bắc, kể về những con người ngỗ ngược trở thành những công dân có ích cho xã hội nhờ võ thuật, bởi những thầy võ đích thực không chỉ dạy học trò mình những đường quyền cước mà hơn thế, họ còn dạy học trò mình làm người. Có lẽ vậy nên dù ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào võ thuật nước nhà vẫn luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt, vẫn luôn luôn phát triển và sản sinh ra những con người tài đức vẹn toàn.