Tháng ba, trảy hội Đền Hùng

Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba - câu ca ấy bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con đất Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì, cứ đến ngày Giỗ Tổ, người dân trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài lại hướng về Đền Hùng, một lòng thành kính, thắp nén tâm nhang tri ân công đức tổ tiên.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân trảy hội Đền Hùng.
Người dân trảy hội Đền Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, đã và đang phát huy giá trị để trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của nhân loại.

Một di tích - hai di sản

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại biểu trưng cho triết lý nhân văn “Con người có tổ có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” trong văn hóa của dân tộc Việt Nam; đều là di sản văn hóa tinh thần (phi vật thể) phản ánh tín ngưỡng dân gian cùng chung nguồn gốc hình thành và phát triển, cùng chung địa bàn ra đời với ý thức tôn vinh các Vua Hùng đã có công dựng nước như là một tín ngưỡng tâm linh cội nguồn cho cả dân tộc.

Ngày 24/11/2011, Hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8/12/2017, tại đảo Jeju, Hàn Quốc, Kỳ họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí đưa di sản “Hát xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hơn một năm sau, vào ngày 6/12/2012 tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điều này đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Chính những giá trị tiêu biểu đó giúp hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt qua vòng xét duyệt khó khăn, trở thành một trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới.

Ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Thọ cho rằng, chủ nhân của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng đồng thời là chủ nhân của nghệ thuật Hát xoan thể hiện nghi thức diễn xướng dân gian thờ cúng tổ tiên, ông bà và các bậc tiền nhân đã có công với nước như các bậc vua quan, thần linh, thành hoàng làng... thông qua lời ca, hình thức diễn xướng và không gian thiêng là các ngôi đền, đình để thể hiện lòng tôn kính, sự biết ơn...

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan có mối liên hệ hữu cơ và mật thiết với nhau từ khi hình thành và trong quá trình tồn tại, phát triển và có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa dân gian của vùng Đất Tổ nói riêng và trong đời sống tâm thức của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung.

Sẵn sàng đón đồng bào, du khách về Đất Tổ

Những ngày này, trên các trục đường chính, tuyến phố ở thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các Khu di tích lịch sử liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều rộn ràng không khí lễ hội.

Các khu phố được tô thắm bởi mầu đỏ rực rỡ của cờ Tổ quốc, băng-rôn, khẩu hiệu hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2024. Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng Lê Trường Giang, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch đã cơ bản được hoàn tất.

Ban Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng tiếp tục thực hiện mục tiêu “5 không” là: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả, dịch vụ mang tính “chặt chém”; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết: Lễ hội Đền Hùng năm nay, người dân và du khách thập phương không chỉ được chứng kiến các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các Vua Hùng mà còn được trải nghiệm và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc.

Tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo để bảo đảm lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, các sự kiện thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm mộ Tổ.

Thông qua các hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.

Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm nay được tổ chức từ ngày 9-18/4 (tức từ ngày 1-10/3 âm lịch). Trong đó, phần lễ gồm: Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4 (ngày 6/3 âm lịch); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 18/4 (ngày 10/3 âm lịch); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh từ ngày 9-18/4 (từ 1-10/3 âm lịch).

Phần hội với nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày; trình diễn hát Xoan làng cổ; Hội thi bơi chải mở rộng...

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng đón đồng bào và du khách về với Đền Hùng, với đất Tổ Hùng Vương.