Trên vùng quê cách mạng Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, hiện có 11 nghĩa trang với 5.081 mộ liệt sĩ, trong đó 2.302 mộ có đầy đủ thông tin, 389 mộ có một phần thông tin, 1.605 mộ chưa xác định thông tin, 785 mộ vong (mộ không có hài cốt)... Đã rất nhiều năm qua, đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, chính quyền các cấp và nhân dân duy trì đều đặn việc tổ chức giỗ liệt sĩ tại 11 nghĩa trang liệt sĩ và làm giỗ tại nhà các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, địa phương đã tổ chức được hàng nghìn lễ giỗ liệt sĩ.
Hoa sứ trắng ngần trong nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong. |
Đây là nét đẹp văn hóa dân tộc, một nghĩa cử cao đẹp thấm đẫm nhân văn, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước; góp phần an ủi, động viên các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, để họ thấy được sự hy sinh mất mát của người thân không những được Nhà nước công nhận, vinh danh mà còn được nhân dân trân trọng, tri ân mãi mãi.
Đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, chúng tôi có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong, nơi đang yên nghỉ của gần 1.000 liệt sĩ. Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Nguyễn Thanh Quảng cho biết, Hòa Phong hiện có số hộ gia đình chính sách rất lớn với trên 600 hộ. Riêng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong hiện nay có 931 mộ liệt sĩ, trong đó có rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh. Hằng năm vào dịp 27/7, Tết Nguyên Đán, hay các ngày sự kiện lớn của đất nước thì chính quyền từ xã đến thôn đều tổ chức các hoạt động lớn tại nghĩa trang. Tất cả các mộ liệt sĩ đều sửa sang tươm tất. Toàn bộ kinh phí tổ chức giỗ liệt sĩ tại nghĩa trang và tại các gia đình liệt sĩ đều được xã hội hóa. Giỗ liệt sĩ là hoạt động tri ân có ý nghĩa, trước hết là giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cũng như thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh lớp trước đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.
Bà Trần Thị Lung thắp hương cho em trai là liệt sĩ Trần Hồng. |
Từ rất sớm, mặc cho thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều vị lão thành cách mạng, người lớn tuổi trong làng khăn áo chỉnh tề, có mặt từ sớm, sửa soạn để làm lễ. Hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên lo phần mâm cúng và dâng nến, thắp hương… trên từng phần mộ liệt sĩ. Và rất nhiều thân nhân các liệt sĩ có mặt tại nghĩa trang, cùng bái vọng người thân trong khói hương và niềm thương nhớ.
Ông Nguyễn Bá Sanh, 83 tuổi, trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là cán bộ lão thành cách mạng, người mà bà con nhân dân nơi đây quen dành cho ông tên gọi trìu mến là ông Ba Sanh, dẫn chúng tôi đi một vòng nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong. Đứng trên khu vực Đại hồng chuông của nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong, nhìn về ruộng đồng Hòa Phong trù phú, nhớ về hồi ức máu lửa một thời trai trẻ, khóe mắt ông nhòa lệ khi nhắc tới đồng đội, nhắc tới lằn ranh sinh tử mà chỉ cần chậm 1 giây thôi, thì ông đã vĩnh viễn nằm lại đất này cùng bao đồng đội. Trong câu chuyện xúc động về ngày 27/7, ông Ba Sanh nhiều lần đưa tay quệt nước mắt, cố dấu niềm xúc động để nhắc về quá khứ máu lửa trên mảnh đất Hòa Phong anh dũng. Ông kể, từ bao đời nay, làm cán bộ dù đương chức hay đã về hưu, thì người cán bộ ấy chỉ thành công, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao khi sống với dân, được dân tin yêu và bao bọc. Ông nhớ lại những năm trước cách mạng tháng 8/1975, lúc bấy giờ ông là Đội trưởng Đội công tác xã Hòa Hưng (nay là Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Vào một ngày cuối tháng 7/1974, khi ông phối hợp với Trung đội trưởng Trung đội 3 Hòa Vang Trần Chiến Chinh tổ chức tiến công lên khu dồn thôn 17 (nay là thôn Cẩm Toại Trung) và thôn D1 (nay là Dương Lâm 1) thì gặp quân địch, lúc đó ông và ông Chinh ngồi dưới hầm bí mật, nhờ có sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ của nhân dân, trong đó có cả những người bị bắt buộc cầm súng trong hàng ngũ địch mà thoát chết trong gang tấc. Ngày 27/3/1975, ông Ba Sanh tiếp quản Hòa Hưng, sau đó trở thành Chủ tịch UBND đầu tiên của xã Hòa Phong.
Các vị bô lão trong làng Túy Loan tiến hành nghi lễ giỗ liệt sĩ. |
Ông nói, trải qua bao nhiêu thay đổi trên mảnh đất này, ông được tận mắt nhìn thấy sức sống mới hồi sinh trên quê hương. Và vào những ngày tháng 7 lịch sử, ông và nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cùng với chính quyền địa phương, tổ chức thật chu đáo đám giỗ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong.
“Mỗi năm chúng tôi đều đặn tổ chức làm giỗ liệt sĩ tại nghĩa trang 2 lần là Tết và 27/7 đầy trang nghiêm và thành kính. Việc làm giỗ liệt sĩ tại nghĩa trang vừa để tri ân những anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, vừa là dịp để giáo dục truyền thống cội nguồn cho thế hệ trẻ. Đối với các em đoàn viên thanh niên, việc chăm sóc, quét dọn các phần mộ liệt sĩ, thắp nến, dâng hương… là những phần việc để giúp các em tiếp tục giữ gìn, bồi đắp và phát huy các giá trị truyền thống, uống nước nhớ nguồn, sống có lí tưởng cao đẹp, không ngừng cống hiến, làm giàu đẹp cho quê hương”, ông Ba Sanh xúc động nói.
Cùng với con gái đến nghĩa trang thăm mộ em trai là liệt sĩ Trần Hồng, sinh năm 1942, hy sinh năm 1968, bà Trần Thị Lung, 78 tuổi, nghẹn lòng: “Nhà có một đứa em trai, em hy sinh khi còn quá trẻ. Hằng năm cứ đến ngày 27/7, khi xã tổ chức làm lễ giỗ liệt sĩ, tôi đều ra đây. Chưa khi nào tôi quên được gương mặt em mình. Thương lắm”.
Thế hệ trẻ Hòa Phong chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong. |
Đứng lặng bên phần mộ cha mình là liệt sĩ Lê Thiện Đợi, ông Lê Đức Tuấn (thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) không nén được xúc động. Sửa lại tấm áo giấy, thắp hương lên mộ cha mình và nhiều phần mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang, ông Tuấn không nhớ đã bao lần ông ngồi lặng trong nghĩa trang ngát hương hoa sứ trắng để tưởng nhớ cha mình. Mới lên 2 tuổi, ông mồ côi cha. Gương mặt cha trong hình dung của ông, cũng như hàng trăm nghìn khuôn mặt các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.
Ông kể, cách đây hơn chục năm, như được cha mình mách bảo, ông bắt đầu hành trình báo công, thiện nguyện. Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ông Tuấn quyết định dành một phần tiền tiết kiệm để cùng với chính quyền xã Hòa Phong sửa chữa, làm mới một số hạng mục công trình nghĩa trang và đúc Đại hồng chuông với số tiền hàng trăm triệu đồng. Hằng tuần khi có thời gian rảnh ông đều ghé nghĩa trang, chăm sóc, tưới cho dãy hoa sứ trắng và sửa sang cảnh quan trong nghĩa trang. Thấy chỗ nào sụt lún, hay gạch bóc, vỡ thì tìm cách khắc phục.
Không chỉ tại nghĩa trang Hòa Phong, ông Tuấn còn đóng góp công sức, kinh phí để góp phần tôn tạo cảnh quan trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phú, Hòa Nhơn... “Tôi mồ côi cha từ nhỏ, thấu hiểu được mất mát của gia đình mình và rất nhiều gia đình có công với cách mạng. Tôi tự nhủ làm gì được cho cuộc sống hôm nay ấm áp, tốt đẹp và ý nghĩa hơn thì tôi nguyện làm hết sức mình”, ông Tuấn chia sẻ.
Tháng bảy trắng ngần hoa sứ… |
Những ngày tháng 7 lịch sử, thật ấm lòng khi trên mọi miền đất nước, nhiều hoạt động về nguồn, tri ân, tưởng niệm được đồng lòng tổ chức. Mỗi nén nhang thắp lên trên nghĩa trang liệt sĩ, đã và đang hòa vào màu hoa sứ trắng, bay xa, xoa dịu phần nào những mất mát hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc hôm nay thống nhất vẹn toàn.