Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời không lâu thì thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình thế phức tạp đó, ngày 3/12/1946, Bác bí mật về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18, 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng tại đây, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhà cụ Dương có xưởng dệt lụa lớn, thường xuyên có khách đến giao thương, cho nên che mắt được bọn mật thám. Bản thân cụ Dương cũng thường xuyên tham gia rất nhiều công việc để phục vụ cách mạng. Bác dừng chân tại đây đến ngày 19/12/1946 thì dời đi. Ngôi nhà cụ Dương nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ.
Sau gần 80 năm, ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Dương vẫn được nhân dân Thủ đô gìn giữ. Ngôi nhà gồm một tòa nhà chính hai tầng và hai dãy nhà hai bên, mỗi dãy ba gian. Tầng một của tòa nhà chính hiện trưng bày một số hình ảnh hiện vật của Bác trong thời gian Người ở và làm việc tại Vạn Phúc. Hai bức tranh sơn dầu thể hiện hai sự kiện quan trọng gồm sự kiện Bác Hồ chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng bàn, quyết định toàn quốc kháng chiến và sự kiện Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Một số hiện vật Bác dùng trong sinh hoạt, luyện tập sức khỏe như chiếc chậu thau đồng nhỏ, đôi tạ tay… Phần trưng bày bổ sung là những bức ảnh, hiện vật, sách báo, tài liệu… phản ánh khái quát cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi chi tiết trong không gian tầng hai căn nhà được giữ gìn như khi Bác ở và làm việc. Trong đó, căn phòng nhỏ bên trái có diện tích chưa đầy 12 m2 vẫn lưu giữ chiếc giường gỗ dẻ quạt đơn sơ mà Bác đã nằm, chiếc gối gỗ sơn mầu huyết dụ. Kề bên giường là bàn làm việc, đó là một án thư cao chừng 75cm, chân con tiện, trên bàn là chiếc đèn dầu hỏa, trang bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến... Những hiện vật cho thấy cuộc đời cách mạng đơn sơ, giản dị của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Dù thời gian dừng chân ít ngày, giữa bộn bề công việc, nhưng những hiện vật như đôi tạ tay cũng thể hiện tinh thần luyện tập thể dục của Người.
Hai dãy nhà ngang hai bên được sửa chữa, phục dựng một số không gian sinh hoạt, sản xuất của gia đình cụ Dương, với những đồ dùng sinh hoạt và khung cửi- hiện vật tiêu biểu cho truyền thống dệt lụa của làng Vạn Phúc. Các không gian còn lại của hai dãy nhà được dùng làm nơi đón tiếp nhân dân, khách trong nước và nước ngoài tới thăm và phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc.
Di tích về Bác nằm ở trung tâm làng lụa Vạn Phúc chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 km đã trở thành một địa chỉ du lịch về nguồn hấp dẫn, đồng thời được nhiều người kết hợp trong hành trình khám phá làng lụa nghìn năm và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác ■