Họ là một cặp đặc biệt, một nàng thơ và một chàng họa sĩ. Họ sống trong một ngôi nhà, mà họ tự đặt tên” Ngôi nhà bên bờ nước”, và cùng nhau tạo ra ngôi nhà đó theo cách mà họ mơ tưởng. Từ những công việc chăm chút cụ thể, trồng cây, trồng hoa, sắp đặt nội thất, ngoại cảnh, những công việc đòi hỏi cả thời gian, sức lực, tiền bạc…và tất nhiên, họ rất say sưa với công việc tạo dựng này.
Đó là nói về khía cạnh vật lý, cơ học. Ngôi nhà của họ nằm trên triền một đồi thông, nhìn ra một hồ nước rộng lớn của Sóc Sơn. Một lối nhỏ dẫn vào thơ mộng giữa những hàng thông rợp bóng. Rồi bạn sẽ reo lên vì hoa nở khắp nơi trên những lối đi, trên các bờ dậu, trong vườn hay những xó xỉnh nào mà chúng có thể tồn tại được.
Người ta nói rằng, ngôi nhà nào mà cây cối xanh tươi, hoa nở tưng bừng, bởi ở đó có tình yêu, có sự hòa hợp, yên vui. Nói theo các cụ, thì là cái khí ở đó lành, tốt.
Trở lại với chủ nhân ngôi nhà. Tôi có cơ duyên biết họ cũng khoảng chín, mười năm, trong một cuộc triển lãm tranh của Thái Tĩnh và ra mắt một tập thơ của Hoàng Anh. Đinh Hoàng Anh gây ngạc nhiên cho tôi bởi nàng vốn là dân toán, học toán chuyên từ nhỏ, rồi vào chuyên toán ĐHTH, sang Nga học đại học và làm luận án tiến sĩ Toán học ở đấy. Cho đến khi đó, những fan thơ hầu như chưa biết đến một nhà thơ với bút hiệu là Đinh Hoàng Anh. Thơ của nàng thông tuệ, nhưng không bị khô khan như dạng thơ này, cảm giác chúng được viết ra với cảm xúc và năng lượng chất chứa. Ngôn ngữ của nàng đẹp, tinh tế. Đặc biệt, nhịp thơ phóng khoáng, tự do, với những câu thơ dài ngắn theo nhịp của cảm xúc. Phảng phất sự mênh mang, thanh cao và bí ẩn mà tôi từng gặp ở R. Tagor, nhà thơ mà tôi vô cùng yêu thích. Tranh của Thái Tĩnh, lúc đó, thật ra tôi không thích lắm, có lẽ bởi nó hiền và thật quá. Tuy nhiên, trong cách tạo hình khỏe khoắn, bố cục rành mạch, lại đượm chất dịu dàng. Thái Tĩnh ôm đàn và hát lên những bài thơ của Hoàng Anh trong cái buổi tối đó, trông anh đầy tình yêu, và chất nghệ sĩ, bởi tiếng hát được cất lên từ bên trong. Mà cái bên trong đó, người ta chỉ có thể cảm thấy.
Một cái gì đó khác biệt về hai con người này đã in dấu vào trí nhớ của tôi.
Về sau họ luôn có mặt cùng nhau trong nhiều những cuộc đọc thơ, triển lãm và hát. Thái Tĩnh đàn ghi ta, Hoàng Anh chơi Piano, đôi khi, nàng còn chơi cổ cầm, mà những ngón đàn của nàng còn khiến dân chơi nhạc sửng sốt. Những cuộc chơi như vậy hoàn toàn phi lợi nhuận, họ chỉ biểu diễn và lôi kéo bạn bè cùng tham gia cuộc chơi với mình.
“Ngôi nhà bên bờ nước” của Thái Tĩnh – Hoàng Anh dường như ấp ủ những điều lớn hơn mà họ chưa muốn nói ra, đó là một ngôi nhà nuôi dưỡng cho tình yêu văn hóa, nghệ thuật, nuôi dưỡng cái đẹp thuần khiêt, tự nhiên, thấm nhuần tinh thần Thiền.
Hoàng Anh viết nhiều, không chỉ thơ, mà còn truyện ngắn, viết những bài viết về tâm lí. Điều rất tuyệt mà tôi ít thấy ở những người viết khác, là dường như nàng luôn nương theo cảm xúc tự nhiên. Cảm xúc tự nhiên thế nào, thì nàng sẽ viết thế ấy, buông và trôi.
Thái Tĩnh cũng vậy, dường như họ chảy song song bên nhau, đôi khi hòa cùng với nhau. Thoạt đầu, Thái Tĩnh hát lên những bài thơ của Hoàng Anh, rồi sau đó, Hoàng Anh viết nhạc, Thái Tĩnh hát những bài hát này.
Vậy là sau một thời gian, họ có một khối tài sản chung nhau, những bài hát thơ do Thái Tĩnh ứng tác, và những bản nhạc phổ thơ do Hoàng Anh viết và Thái Tĩnh thể hiện.
Cặp đôi này, vừa đi lang thang khắp nơi cùng cậu con trai nhỏ, vừa làm việc kiếm sống, vừa sáng tác và biểu diễn, họ hòa vào nhau một cách thần tình. Họ ảnh hưởng lên nhau theo cái cách không thể giải thích, nhưng nếu bạn quan sát họ sẽ thấy.
Vậy cái gì đã giúp họ đi xuyên vào tâm hồn nhau như vậy? chắc đã có người tự đặt câu hỏi ấy với mình khi gần họ.
Thái Tĩnh và Hoàng Anh không chỉ là những nghệ sĩ, họ đều là những người tu tập thiền, là hai người bạn tu. Công lực của họ không biết đến đâu, nhưng ví dụ, bạn bị một thứ bệnh gì đó, gặp Thái Tĩnh, có thể sẽ được Thái Tĩnh truyền năng lượng và bấm huyệt để qua được cơn đau.
Nếu Hoàng Anh viết những bản nhạc của tâm hồn mình, thì Thái Tĩnh vẽ, chụp ảnh, thiết kế những mẫu thổ cẩm cho các nghệ nhân dệt và may.
Âm nhạc, thơ, tranh, ảnh, tiếng đàn, giọng ca… đều thấm đẫm chất thiền, phiêu du, tinh tế, hiền hòa và sâu lắng. Và dường như, theo thời gian, theo mùa, theo sự trải nghiệm, có thể nhìn thấy sự chuyển động của màu sắc, của các trạng thái trên những tác phẩm.
Thái Tĩnh, từ bút pháp tả thực đã chuyển sang vẽ trừu tượng.
Với tranh trừu tượng, Thái Tĩnh như tìm thấy đất dụng võ của mình, ở cách chuyển sắc độ tinh tế, ở cách biểu đạt cái tế vi của thiên nhiên, của tình cảm. Và cũng là cách mà họa sĩ tiếp nhận đời sống và sẻ chia quan niệm thẩm mỹ. Một quan niệm thẩm mỹ, mà tôi cho rằng, sẽ có nhiều người đồng cảm.
Thái Tĩnh – Hoàng Anh có rất nhiều “âm mưu”, thỉnh thoảng họ lại bật mí với bạn bè một “âm mưu” nào đó. Thế là lúc đó lại có một sự kiện, như một cái cớ để bạn bè hội tụ, chia sẻ tâm tình.
Mùa hè vừa rồi, họ mới hoàn thành một chuyến du ca từ nam ra bắc, mệt nhoài và vui.
Một cuộc du ca mà họ gặp rất nhiều bạn bè cũ, mới,
Về lại “ Ngôi nhà bên bờ nước”, cả hai đã lập tức bàn tính cho âm mưu mới: in một tập ca khúc, ra một đĩa CD hát thơ, triển lãm tranh.
Câu chuyện của họ rất dài.
Bây giờ bạn hãy tạm dừng ở đây, và hãy đến với họ để thưởng thức giọng hát của Thái Tĩnh và bạn bè của họ, trong triển lãm tranh của anh. Và nhớ rằng, trong tất cả mọi sản phẩm của họ luôn có bóng dáng tinh thần, tình cảm của cả hai người.
Tin rằng, ở đó bạn sẽ rất vui!