Tuyến đường liên kết Thái Nguyên- Bắc Giang- Vĩnh Phúc dài gần 40 km, rộng 22,5m với bốn làn xe, vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng do tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự kiến tuyến đường sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024, vượt tiến độ sáu tháng so với kế hoạch đề ra, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên và thúc đẩy liên kết ba tỉnh phát triển năng động bậc nhất vùng Thủ đô Hà Nội.
Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường này liên quan đến khoảng 3.000 hộ ở thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ, trong đó có khoảng 500 hộ phải di chuyển đến khu tái định cư. Số hộ liên quan đến giải phóng mặt bằng rất lớn, yêu cầu khẩn trương, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo chủ đầu tư, cấp ủy, chính quyền hai địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai, dân chủ, minh bạch, hộ nào chưa thông thì gặp gỡ đối thoại, giải thích, thuyết phục, phúc tra lại khi kiểm đếm đền bù tài sản chưa đầy đủ, tìm chỗ thuê ở tạm, hỗ trợ trong quá trình di chuyển đồ đạc, tài sản cho nên nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Anh Nguyễn Văn Nam ở phường Tân Hương, thành phố Phổ Yên cho biết: "Mặc dù khu tái định cư chưa hoàn thành, nhưng được cấp ủy, chính quyền địa phương giải thích, thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách về bồi thường, tái định cư cho nên gia đình tôi đồng tình ủng hộ, khẩn trương dỡ nhà, di chuyển tài sản đến chỗ ở tạm để bàn giao mặt bằng cho địa phương triển khai dự án đường liên kết".
Cùng với yêu cầu phải giải phóng mặt bằng sớm để xây dựng tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thành, cùng với việc hỗ trợ thuê nhà sáu tháng, đối với các hộ đang kinh doanh, buôn bán, thành phố Phổ Yên chỉ đạo chính quyền các xã, phường cùng với hộ dân tìm chỗ thuê thuận lợi để duy trì việc kinh doanh, buôn bán hằng ngày nhằm ổn định cuộc sống.
Bí thư Thành ủy Phổ Yên Bùi Văn Lương cho biết: "Sau khi triển khai công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, chính quyền các xã, phường trực tiếp tìm chỗ thuê ở tạm, duy trì ngành nghề, bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ di chuyển nhà cửa, tài sản cho người dân, bố trí tái định cư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho nên chỉ trong 10 ngày cao điểm, chúng tôi cơ bản giải phóng xong mặt bằng tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc".
Cùng lúc giải phóng mặt bằng tuyến đường liên kết, thành phố Phổ Yên tiến hành xây dựng 10 khu tái định cư gần với nơi sản xuất đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, gần trung tâm buôn bán đối với hộ kinh doanh, thương mại. Hạ tầng kỹ thuật tại các khu tái định cư được xây dựng đồng bộ, bao gồm đường nội bộ, giao thông kết nối, điện, nước đầy đủ; áp dụng cao nhất chính sách tái định cư, định mức đất ở tại phường là 250m2/hộ, tại xã là 300m2/hộ cho nên nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Tương tự như vậy, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo bố trí tái định cư cho người dân đối với các dự án, nhất là những dự án lớn, trọng điểm như Sân vận động Thái Nguyên, đường vành đai 5, Khu đô thị mới-phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên, phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; công khai, minh bạch, áp dụng tối đa chính sách trong quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, áp giá; giải thích, đối thoại cho nên nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi triển khai các dự án lớn, trọng điểm thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh, chúng tôi chỉ đạo xây dựng khu tái định cư, bố trí chỗ ở mới cho người dân ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đã tạo được sự đồng thuận xã hội, nhất là các hộ trong diện tái định cư. Điều này giúp hình thành nên hiệu ứng tích cực, tạo đồng thuận rộng rãi, thuận lợi cho tỉnh triển khai những dự án lớn như các khu công nghiệp, giao thông trọng điểm thời gian tới".