Thái Nguyên mở rộng vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống chè; tiến hành đầu tư xây dựng vùng sản xuất chè tập trung, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.

Người dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) thu hoạch chè búp. Ảnh: HỒNG KỲ
Người dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) thu hoạch chè búp. Ảnh: HỒNG KỲ

Cụ thể, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ tất cả chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (sáu triệu đồng/ha) và hỗ trợ phần chênh lệch giá trị phân bón do chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ là 217 nghìn đồng/sào, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học 500 nghìn đồng/sào. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương vùng chè đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chè, hình thành vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn. Hiện, Thái Nguyên đã có 137 mô hình sản xuất chè VietGAP được chứng nhận với diện tích khoảng 1.600 ha; toàn tỉnh có hơn 22 nghìn ha chè, trong đó, diện tích chè kinh doanh là 19.600 ha, năng suất đạt gần 118 tạ/ha.

Năm 2019, Thái Nguyên phấn đấu trồng mới, trồng lại 875 ha chè, đưa diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao chiếm hơn 74%.

* Đến nay, TP Cần Thơ có 278 hợp tác xã đang hoạt động, tăng 147 hợp tác xã, gấp 2,1 lần so với năm 2003... Các hợp tác xã đã đóng góp khoảng 2.500 tỷ đồng vào tổng sản phẩm của địa phương (GRDP).

Trong tổng số hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn có 128 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 46% số hợp tác xã với tổng vốn điều lệ đăng ký 137,8 tỷ đồng, tăng 14 lần so với năm 2003. Thu nhập bình quân của thành viên trong hợp tác xã nông nghiệp khoảng 35 triệu đồng/năm. Lĩnh vực giao thông vận tải có 42 hợp tác xã, tăng 11 hợp tác xã so với năm 2003, tổng vốn điều lệ đăng ký là 112,3 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với năm 2003. Thu nhập bình quân của thành viên đạt 100 triệu đồng/năm… Theo kết quả khảo sát của thành phố, số hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 187 hợp tác xã, chiếm 67,2%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Cần Thơ vẫn còn những bất cập, hạn chế như: đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa ngang tầm, kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu, mới đóng góp được 4% GRDP, trong khi chỉ tiêu của thành phố đưa ra trước đây là từ 13 đến 15% GRDP và mới có 50% số hợp tác xã đạt khá, giỏi so với chỉ tiêu đặt ra trước đây là 80%... Để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thành phố đang chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể trong quần chúng nhân dân, làm rõ mô hình hợp tác xã kiểu mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhằm thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển hợp tác xã theo Nghị quyết 13 của Hội nghị T.Ư 5 khóa IX; Luật Hợp tác xã năm 2012, Quyết định số 2261 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020...