Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách tài chính và tiền tệ Thái Lan dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết, việc nới lỏng trần nợ công sẽ giúp chính phủ có thể vay thêm tiền để thực hiện các chính sách tài chính trung hạn. Ông cũng khẳng định Chính phủ Thái Lan vẫn có đầy đủ khả năng trả nợ.
Các đại biểu dự cuộc họp cho rằng việc nâng trần nợ công chủ yếu là để tăng sự linh hoạt trong việc thực thi các chính sách đối phó với tình hình dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong tương lai. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT), thành viên của ủy ban, cho rằng việc nới lỏng trần nợ công cũng không gây tác động tới sự ổn định tài chính bởi mức trần này cũng không cao so với nhiều nước khác trên thế giới, hầu như toàn bộ nợ công của Thái Lan (98,2%) là nợ trong nước cũng như không gây nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm tài chính. BoT đề nghị Chính phủ Thái Lan cần tập trung chi tiêu vào các dự án hiệu quả cao và giúp tăng tiềm lực kinh tế của đất nước. Đồng thời, phải đẩy nhanh việc đưa tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan trở lại 60% trong giai đoạn tiếp theo.
Hồi cuối năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã ban hành sắc lệnh vay khẩn cấp đầu tiên để vay 1.000 tỷ bạt (tương đương gần 30 tỷ USD) dùng cho các kế hoạch kích thích kinh tế, chống lại đại dịch. Một sắc lệnh thứ hai được ban hành trong năm nay để cho phép Chính phủ Thái Lan vay thêm một khoản 500 tỷ bạt nữa.
Trước đó, BoT đã hối thúc Chính phủ vay thêm 1.000 tỷ bạt để giải quyết những tác động nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế nước này và thúc đẩy các triển vọng tăng trưởng dài hạn của đất nước. Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput khẳng định các khoản vay của Chính phủ là hợp lý. Ông cho rằng, do đại dịch gây ra những tác động kinh tế trầm trọng và lâu dài hơn so với dự báo của BoT, các chính sách tài chính cần đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện các ảnh hưởng của lệnh phong tỏa và hỗ trợ nền kinh tế.
Tình trạng giảm thu nhập của các hộ gia đình và tỷ lệ thất nghiệm cao do Covid-19 là những khu vực bị ảnh hưởng chính cần có những biện pháp tài chính hỗ trợ. Trong giai đoạn 2020-2022, thu nhập của các hộ gia đình ở Thái Lan được dự báo sẽ giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ bạt. Trong đó, mức sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021 là 1,8 nghìn tỷ bạt và 800 tỷ bạt trong năm 2022. Do vậy, BoT cho rằng việc chính phủ vay thêm 1.000 tỷ bạt nữa là hợp lý. Và việc này sẽ đưa tỷ lệ nợ công so với GDP của Thái Lan đạt mức 70% vào năm 2024.
Ông Sethaput cho rằng việc Chính phủ Thái Lan vay tiền trong thời điểm này để giúp nền kinh tế tăng trưởng trong 10 năm tới, sẽ tốt hơn là vay tiền về sau này. Và nếu Chính phủ có thể duy trì sự ổn định tài chính hiện nay, sẽ không có vấn đề gì khi mức nợ công đạt 70% GDP. Ông cũng đề nghị Chính phủ Thái Lan nên sử dụng khoản vay bổ sung này để đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế hiện nay như kế hoạch đồng cho vay, kế hoạch bảo đảm khoản vay hay các biện pháp trợ cấp cho những người gặp khó khăn do Covid-19.
Trong khi đó, ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch phòng Thương mại Thái Lan cũng cho rằng việc nâng trần nợ công là cần thiết để Chính phủ có thể kiếm đủ nguồn tài chính cho việc hồi phục và thúc đẩy nền kinh tế. Ông cho biết kể từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 ước tính đã gây thiệt hại 1.000 tỷ bạt cho nền kinh tế Thái Lan. Phòng Thương mại Thái Lan đã kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh việc chi tiêu các khoản vay trước đó và đưa ra kế hoạch vay thêm tiền để phục hồi nền kinh tế.
Sau khi được Ủy ban Chính sách tài chính và tiền tệ Thái Lan, sửa đổi về trần nợ công này sẽ được trình lên Chính phủ Thái Lan xem xét trước khi công bố trên Công báo Hoàng gia.