Thái Lan mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam

NDO - Cục trưởng Cục Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về triển vọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan. Đồng thời khẳng định, Thái Lan mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Tanee Sangrat, Cục trưởng Cục Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Thái Lan.
Ông Tanee Sangrat, Cục trưởng Cục Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Thái Lan.

Tiếp chúng tôi sau buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan về Tuần lễ cấp cao APEC, ông Tanee vui vẻ chào đón các phóng viên Việt Nam bằng nụ cười tươi tắn và câu “Xin chào” rất Việt Nam.

Từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, ông Tanee rất am hiểu và có nhiều thiện cảm với đất nước hình chữ S. Ông cho biết, Việt Nam là nơi đầu tiên ông được cử đi làm đại sứ và đã có nhiều kỷ niệm đẹp trên đất nước này.

Trong cuộc trò chuyện, ông Tanee đánh giá cao mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua. Ông khẳng định, là một nền kinh tế mới nổi, có tốc độ phát triển nhanh và lực lượng dân số tương đối trẻ lên tới gần 100 triệu người, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Việt Nam đạt khoảng 19 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,6 tỷ USD. Việt Nam nằm trong tốp 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Thái Lan. Hiện Thái Lan nước đứng thứ 8 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với gần 700 dự án, tổng vốn hơn 13 tỷ USD. Trong khi đó, hai nước cũng có sự hợp tác chặt chẽ về du lịch. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đã có hơn một triệu du khách Việt Nam đã tới thăm Thái Lan. Đồng thời, nhiều người dân Thái Lan cũng mong muốn tới thăm Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam cũng là một địa chỉ du lịch và là nguồn khách du lịch lớn đối với Thái Lan.

Chính vì vậy, ông Tanee cho rằng Việt Nam là đối tác rất quan trọng về kinh tế, chính trị, chiến lược không chỉ với Thái Lan mà còn với cả khu vực Đông Nam Á. Không chỉ có vậy, Việt Nam còn là một thành viên quan trọng, tích cực và cũng là đối tác kinh tế quan trọng trong APEC. Ông nói: “Thái Lan và Việt Nam, cũng như các nền kinh tế thành viên APEC khác sẽ cùng làm việc và hợp tác chặt chẽ với nhau để chuẩn bị cho các nền kinh tế của chúng ta trở nên bền vững hơn trong tương lai”.

Ông Tanee khẳng định: “Thái Lan mong muốn củng cố và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ và hợp tác với Việt Nam. Hai nước chúng ta cần nỗ lực hơn để thúc đẩy chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia, tạo thêm nhiều sản phẩm cho các thị trường trong khu vực. Bởi vậy chúng ta nên nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước”.

Cùng với đó, người dân hai nước Thái Lan và Việt Nam còn có nhiều mối liên hệ sâu sắc. Tại Thái Lan có một cộng đồng người Thái gốc Việt tương đối lớn. Đây chính là cầu nối giúp thúc đẩy quan hệ giữa Thái Lan, đất nước nơi họ sinh sống và Việt Nam, quê hương của cha mẹ, ông bà họ. Và ở Việt Nam cũng có rất nhiều người đã từng sinh sống ở Thái Lan. Họ vẫn giữ tình cảm tốt đẹp với đất nước Thái Lan, có mối quan hệ chặt chẽ với người thân cũng như gia đình hiện còn đang ở Thái Lan.

Ông Tanee cho rằng, rõ ràng Việt Nam và Thái Lan có những tiềm năng to lớn trong quan hệ và hợp tác về mọi mặt trong tương lai. Bởi vậy, chính phủ và nhân dân hai nước cần làm hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Tại cuộc gặp, ông Tanee cũng cho biết, Thái Lan đã sẵn sàng đón tiếp các đoàn đại biểu 21 nền kinh tế thành viên APEC tới tham dự Tuần lễ cấp cao. Thái Lan đang tiến hành soạn thảo một số văn bản chính của hội nghị, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố Bangkok về kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG). Thái Lan hy vọng các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận, thông qua và cùng công bố văn bản này vào ngày 19/11 tới.

Ông khẳng định: “Tuyên bố này sẽ đặt một dấu mốc, một di sản quan trọng cho năm Thái Lan làm chủ nhà APEC, giúp các nền kinh tế thành viên phát triển một cách bền vững hơn, vượt qua các thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các dịch truyền nhiễm mới nổi khác có thể xảy ra trong tương lai. Và tôi hy vọng rằng, với Tuyên bố Bangkok, nền kinh tế của chúng ta sẽ bắt đầu chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo hướng các mô hình kinh tế bền vững”.