Cục trưởng Thủy sản Thái Lan, Chalermchai Suwannarak cho biết, do sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu từ các nhà chế biến xuất khẩu, Hội đồng tôm Thái Lan quyết định cho phép nhập khẩu 10.501 tấn tôm từ Ecuador và Ấn Độ.
Ông Chalermchai nhấn mạnh, việc nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng đến giá tôm thẻ chân trắng do nông dân Thái Lan nuôi mà chỉ lấp đầy khoảng trống về nhu cầu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan Panisuan Chamnarnwej, việc nhập khẩu tôm là cần thiết để cứu ngành thực phẩm đông lạnh vì sản lượng trong nước đã giảm gần một nửa từ 500 nghìn tấn/năm xuống còn 270 nghìn tấn/năm.
Ông Panisuan khẳng định, Hiệp hội sẽ tập trung vào chế biến tôm xuất khẩu để việc nhập khẩu không ảnh hưởng đến giá tôm trong nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Thủy sản nhằm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh từ tôm nhập khẩu cho các trang trại địa phương.
Theo Liên đoàn Nuôi trồng Thủy hải sản, Thái Lan hiện có khoảng 30 nghìn trang trại nuôi tôm trên cả nước, tuy nhiên sản lượng đã giảm xuống 250-350 nghìn tấn mỗi năm do sự bùng phát dai dẳng của hội chứng tôm chết sớm (EMS).
Cục trưởng Thủy sản Thái Lan, Chalermchai khẳng định nước này sẽ giúp người nuôi tôm ở 35 tỉnh trên cả nước tăng chất lượng và số lượng sản phẩm của họ bằng cách cung cấp các trạm y tế di động và đường dây nóng nhằm tư vấn cho nông dân về các bệnh của tôm.
Tính tới cuối tháng 7/2022, Thái Lan đã sản xuất 138.733 tấn tôm, trong đó gồm 129.100 tấn tôm thẻ chân trắng và 9.632 tấn tôm sú. Thái Lan cũng đặt mục tiêu sản xuất trong nước đạt 320 nghìn tấn tôm thẻ chân trắng trong năm 2022, đồng thời dự kiến tăng sản lượng lên 400 nghìn tấn vào năm tới.