Giám đốc quản trị hãng nhiên liệu Susco, ông Chairit Simaroj cho rằng, chính phủ nước này có thể phải nới lỏng quy định áp giá trần, để giá dầu vận động theo quy luật thị trường, nếu không sẽ cần phải sử dụng đến khoản tiền lớn từ Quỹ bình ổn giá dầu để trợ giá cho mặt hàng thiết yếu này.
Ông Chairit cho biết, giá dầu thế giới đã tăng 25%, lên gần 130 USD/thùng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng khi Mỹ và châu Âu đang xem xét các lệnh cấm vận đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu lửa của Nga. Trong khi đó, nguồn dầu xuất khẩu từ Iran cũng có thể bị gián đoạn, điều này dễ tạo ra tâm lý lo sợ thiếu hụt nguồn cung. Hơn nữa, ngày 2/3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác đã quyết định chỉ tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày, từ chối đề nghị của Mỹ về việc gia tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu. Các chuyên gia thuộc hãng lọc dầu lớn nhất Thái Lan, Thai Oil Plc (TOP) cũng bày tỏ quan ngại tương tự.
Giá dầu trong nước ở Thái Lan đã tăng thêm khoảng 4 baht/lít kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, điều này đã đặt thêm gánh nặng lên quỹ bình ổn giá dầu khi phải giữ trần giá dầu diesel ở mức dưới 30 baht/lít (gần 1 USD/lít).
Ông Chairit khuyến nghị chính phủ Thái Lan có thể để cho giá dầu bán lẻ tăng nhẹ, phù hợp hơn với giá dầu thế giới và hỗ trợ các hãng bán lẻ trong nước đối phó tốt hơn với tình trạng giá dầu thế giới tăng cao. Theo Giám đốc quản trị Susco, biên lợi nhuận dầu hiện đã chạm mức thấp nhất, dưới 1 baht cho mỗi lít. Việc nới lỏng trần giá dầu cũng sẽ giúp cho chính phủ giảm bớt gánh nặng tài chính, trong khi vẫn đang phải triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân do giá cả sinh hoạt tăng.
Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ chịu tác động trực tiếp nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao, chạm mức 150 USD/thùng. Theo ông Supant, nếu viễn cảnh đó trở thành hiện thực thì giá cả sinh hoạt và lạm phát sẽ đồng loạt gia tăng. Trước đó, FTI đã khuyến nghị chính phủ tìm kiếm một khoản vay trị giá 1 nghìn tỷ baht (hơn 30 tỷ USD) để hỗ trợ quỹ bình ổn giá dầu, đồng thời phân bổ cho các gói kích thích kinh tế nhằm khắc phục tác động của tình trạng giá dầu thế giới tăng cao.