Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời ông Keerati Rushchano, Tổng Giám đốc Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan nói rằng trong tổng số 6 triệu tấn này, sẽ bao gồm khoảng 2 triệu tấn gạo trắng, 1,5 triệu tấn gạo thơm Hom Mali, 1,5 triệu tấn gạo đồ và số còn lại sẽ là loại gạo dẻo thơm Pathum Thani.
Ông Keerati cho rằng: “Xuất khẩu gạo của Thái Lan vẫn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ đồng bạt mạnh, thiếu hụt container hoặc giá cả tương đối cao so với các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, sức mua yếu từ các nước nhập khẩu gạo do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng sẽ có tác động tới nhu cầu mua gạo của Thái Lan”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nhu cầu gạo vẫn có thể sẽ tăng lên nếu xảy ra các thảm họa thiên nhiên tại các nước xuất và nhập khẩu gạo.
Theo ông Keerati, kế hoạch xuất khẩu gạo của Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tập trung chủ yếu vào loại gạo thơm Hom Mali cao cấp; thị trường gạo trắng, gạo đồ rộng lớn và thị trường ngách đối với các loại gạo mầu, gạo nếp và gạo hữu cơ.
Năm 2020, Thái Lan đã xuất khẩu được tổng cộng 5,72 triệu tấn gạo, thấp hơn đáng kể so với mức 7,57 triệu tấn trong năm 2019. Giá trị xuất khẩu gạo đạt 3,72 tỷ USD so với mức 4,27 tỷ USD của năm trước. Ông Keerati cho rằng, sự sụt giảm lượng gạo xuất khẩu năm 2020 xảy ra là do đồng bath Thái mạnh đã khiến gạo của Thái trở nên đắt đỏ hơn so với sản phẩm của các nước cạnh tranh. Đồng thời, hiện Trung Quốc cũng đã trở thành nước xuất khẩu gạo khi đang bán ra lượng gạo dự trữ khổng lồ của nước này.
Bên cạnh đó, năm 2020 Thái Lan còn gặp phải khó khăn khi thiếu hụt nguồn cung các chủng loại gạo để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các loại gạo trắng mềm và sự khan hiếm container nghiêm trọng.
Năm ngoái, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với 14 triệu tấn gạo xuất khẩu, tiếp theo đó là Việt Nam với 6,3 triệu tấn. Thái Lan chỉ đứng thứ ba với 5,72 triệu tấn, xếp trên Pakistan và Mỹ.