Thái Lan chuẩn bị phương án sống chung với Covid-19

NDO -

Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc một chiến lược nhằm kiểm soát và sống chung với đại dịch Covid-19 sau khi đợt bùng phát hiện nay được kiểm soát. Từ đó, giúp người dân khôi phục cuộc sống bình thường, hồi phục nền kinh tế trong khi vẫn có thể kiềm chế được số ca nhiễm mới ở mức độ hệ  thống y tế có thể xử lý được.

Thái Lan sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm người cao tuổi. (Ảnh: NAM ĐÔNG)
Thái Lan sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm người cao tuổi. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Phát biểu sau cuộc họp của Ủy ban Phòng dịch truyền nhiễm quốc gia Thái Lan (NCDC), Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan Opas Karnkawinpong cho biết, NCDC đã đồng ý bốn vấn đề, dự kiến sẽ được đệ trình lên Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) xem xét phê duyệt.

Một trong đó là chuẩn bị một kế hoạch mở cửa đất nước một cách an toàn với các biện pháp kiểm soát dịch có tên là “Kiểm soát thông minh và sống chung với Covid-19”. Theo kế hoạch này, sự ưu tiên sẽ được tập trung theo hướng kiềm chế sự lây lan ở mức không làm quá tải hệ thống y tế công cộng, cùng với việc triển khai các biện pháp quan trọng khác như đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nhóm có nguy cơ như người cao tuổi và những người có bệnh nền; phát triển các loại vaccine mới; áp dụng các biện pháp phòng ngừa mọi lúc mọi nơi; đẩy mạnh hoạt động của các nhóm phản ứng Covid-19 toàn diện (CCRT) tại các cộng đồng dân cư.

Tiến sĩ Opas nói: “Chúng ta giờ đây sẽ phải học để sống chung với dịch Covid-19 với nhận thức rằng căn bệnh này sẽ là một một dịch bệnh thông thường, giới hạn trong một quốc gia nhất định”.

NCDC cũng đã đồng ý với áp dụng phương án “bong bóng và đóng kín” tại các nhà máy, nơi phát hiện các ổ lây nhiễm Covid-19, để ngăn chặn dịch lây lan rộng. Theo đó, nếu có hơn 10% số công nhân được phát hiện nhiễm Covid-19, những bệnh nhân này sẽ được cách ly tại các bệnh viện dã chiến, còn những công nhân khác sẽ vẫn được tiếp tục làm việc trong khuôn viên nhà máy, dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

Sau 28 ngày, những công nhân này sẽ được xét nghiệm miễn dịch. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, họ sẽ được phép quay trở lại làm việc và trở về nhà. Và nhờ vậy, nhà máy sẽ không bị đóng cửa, các công nhân vẫn có thu nhập và nền kinh tế sẽ giữ được đà phát triển.

Trả lời câu hỏi của báo giới về kế hoạch tái mở cửa đất nước, tiến sĩ Opas cho biết, các lệnh phong tỏa hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 31/8 và chính phủ Thái Lan sẽ xem xét, đánh giá xem liệu có thể mở cửa sau đó hay không. Ông nói: “Hy vọng rằng từ tháng 9 đến hết năm và trong năm tới, chúng ta sẽ cho phép một số hoạt động được bắt đầu lại và người dân sẽ khôi phục lại cuộc sống bình thường. Căn cứ trên những số liệu hiện nay, rõ ràng là tình hình dịch đã đạt tới đỉnh điểm và tốc độ lây nhiễm sẽ chậm dần lại”.

Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải giám sát chặt chẽ tình hình trong vòng ba, bốn ngày tới để chắn chắn về những dấu hiệu tích cực. Đồng thời, một số khu vực nguy hiểm vẫn còn cần phải được kiểm soát chặt chẽ trước khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng.

Ông Opas nhấn mạnh, tuyên bố của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha về việc tái mở cửa trong vòng 120 ngày không có nghĩa là sẽ mở cửa toàn bộ đất nước ngay một lúc. Ông cho rằng, chương trình mở cửa Phukhet theo hình thức hộp cát là một thí dụ tốt về việc kiểm soát những ca nhiễm Covid-19 mới mà vẫn cho phép các du khách thăm thú hòn đảo dưới các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ.

Thái Lan ngày 24/8 ghi nhận thêm 17.165 ca nhiễm mới và 266 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát ở Thái Lan năm 2020, quốc gia này đã phát hiện tổng cộng 1.083.951 ca nhiễm Covid-19 cùng 9.788 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á