Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Người tiêu dùng yêu cầu nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi hơn. Do đó, sản xuất nông nghiệp phải hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.
Nông nghiệp đứng trước cơ hội hóa giải mọi khó khăn, thách thức, tạo ra bước chuyển ngoạn mục để trở thành một quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “Minh bạch-Trách nhiệm-Bền vững” như tuyên bố của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp quốc tháng 9/2021.
Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết cần thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm.
Nói cách khác, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng, từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái trung hòa carbon thay chỉ vì cường quốc về sản lượng lương thực.
Hội thảo quốc tế do tỉnh Thái Bình đồng tổ chức đã thu hút khá nhiều những tham luận, báo cáo, những kiến giải sâu sắc, thật sự chất lượng, có tính gợi mở cho địa phương trong hoạch định chính sách, hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như khu dân cư nông thôn Thái Bình.
Nổi bật là tham luận của diễn giả Chu Po Jung, chuyên gia nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) về một số ý tưởng phát triển kinh tế nông nghiệp ở Thái Bình; tham luận của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam về chuyển đổi số nông nghiệp và cơ hội cho phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết: Thái Bình có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, bởi có địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi dày đặc, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu bốn mùa, nguồn lợi thủy, hải sản phong phú.
Người dân Thái Bình cần cù, năng động, có truyền thống và trình độ canh tác cao để tiếp cận và thích ứng với những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới... Với những tiềm năng, lợi thế ấy, từ xưa đến nay, Thái Bình luôn được xem là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tuy nhiên, phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình hiện nay nhìn chung vẫn mang đậm tính truyền thống, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa mạnh; phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế.
Đồng chí khẳng định, việc tổ chức hội thảo "Mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn Thái Bình" thời điểm này là rất cần thiết, giúp Thái Bình có định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Từ đó, yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh nghiêm túc tổng hợp, tổng kết từ hội thảo, để tới đây tham mưu trong công tác quy hoạch chung của tỉnh.