Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc

NDO - Sáng 20/1, phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá cao sự quan tâm của Thái Bình về chuyển dịch cơ cấu lao động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thái Bình tiếp tục làm tốt công tác này, qua đó tăng nhanh hơn thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn; lưu ý giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp không có nghĩa là giảm sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tỉnh cần khẩn trương rà soát các luật do Quốc hội vừa ban hành, trong đó có nhiều quy định giao quyền cho cấp tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân rà soát toàn bộ hệ thống văn bản của địa phương để có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh.

Tỉnh cần hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bên cạnh đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, mọi nhà đón mừng năm mới, vui Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi.

Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, gợi mở thêm một số nội dung để các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng; giữ gìn, trân trọng, củng cố sự đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh trong sạch, vững mạnh, chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc ảnh 2
Quang cảnh buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thái Bình tiếp tục phát huy tinh thần, truyền thống cách mạng rất vẻ vang, "không chủ quan và thỏa mãn, không nên cho như thế là đủ" như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Thái Bình trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước đạt năng suất 5 tấn lúa/ha; "làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm Thái Bình năm 1967.

Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc ảnh 3
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

Nhất trí với ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thái Bình cần triển khai việc nghiên cứu, xây dựng văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030; các cơ quan hữu quan tại địa phương chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất, kiến nghị các chính sách phù hợp thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả, huy động các nguồn lực để phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát đến năm 2045 xây dựng Thái Bình trở thành là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc ảnh 4
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ; tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Qua nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Quốc hội và đại diện lãnh đạo bộ, ngành cũng yêu cầu tỉnh tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, với không gian kinh tế-xã hội gồm một trung tâm (TP Thái Bình); một hành lang kinh tế phía Đông (với 2 đô thị Tiền Hải và Thái Thụy); một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận; và một hành lang Đông Bắc Tây Nam kết nối từ các tỉnh Bắc Trung Bộ về Hải Phòng, Quảng Ninh.

Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc ảnh 5
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

Ý kiến các bộ, ngành bày tỏ nhất trí với định hướng phát triển của địa phương, theo đó tỉnh Thái Bình đã và đang nỗ lực để trở thành Trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng, Trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng, địa bàn trung chuyển, trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; trong đó tỉnh chú trọng một số lĩnh vực trọng tâm, chủ yếu trong quy hoạch đô thị, gắn quy hoạch đô thị với kinh tế đô thị; quy hoạch nông thôn; quan tâm xây dựng nhà ở xã hội... với tầm nhìn dài hạn, tính toán nhu cầu sát với thực tiễn.

Qua kiểm tra, khảo sát một số cơ sở kinh tế tại địa bàn, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ đồng tình thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế, thu hút mạnh mẽ đầu tư; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, đẩy mạnh đầu tư và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng liên kết phát triển với phân vùng động lực...

Thái Bình khơi thông các nguồn lực phát triển với bước đi mạnh mẽ, vững chắc ảnh 6
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: DUY LINH)

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân cần phối hợp với Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát lại các thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để lập danh mục, báo cáo Tỉnh ủy có kế hoạch, lộ trình ưu tiên rà soát, sửa đổi với những vấn đề cấp bách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy Thái Bình, các cơ quan, ban, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành định hướng cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong cả nhiệm kỳ.

Theo báo cáo, những năm qua, đặc biệt là mấy năm gần đây, nền kinh tế tỉnh Thái Bình đã vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và có nhiều khởi sắc.

Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị tỉnh đã quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhất là các nghị quyết, chủ trương, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất, khơi thông các nguồn lực phát triển với quyết tâm chính trị cao, có lộ trình, bước đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm.

Kinh tế, xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và và tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 8,18% (năm 2021 đạt 6,68% - đứng thứ 14/63 cả nước, năm 2022 đạt 9,52% - đứng thứ 6/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18 cả nước; năm 2023 đạt 7,37% (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng).

Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước đạt 67.948 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần so với năm 2020.

Tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm đạt kết quả tốt, nhất là thu nội địa có sự tăng trưởng bứt phá, đã đạt mốc 10.000 tỷ đồng (năm 2021 thu nội địa 10.525 tỷ đồng; năm 2022 đạt 11.561 tỷ đồng; năm 2023 đạt 9.814,5 tỷ đồng).

Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành rõ nét, khẳng định được vai trò động lực phát triển của tỉnh, tạo niềm tin, sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Các dự án lớn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ như: Khu công nghiệp VSIP Thái Bình, Khu công nghiệp Hải Long, Nhà máy nhiệt điện LNG…

(Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)