Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh và Phú Yên nằm trên dải đất miền trung giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; cùng với truyền thống gia đình đã dưỡng dục nên một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Từ nhỏ, đồng chí Trần Phú đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, vượt khó vươn lên, đỗ đầu kỳ thi Thành Chung. Tháng 9/1922, đồng chí được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tháng 7/1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức tập hợp các thanh niên yêu nước.
Sau khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được học tập tại Trường đại học Phương Đông (Liên Xô), đồng chí Trần Phú càng thêm tin tưởng vào con đường cách mạng của Lênin mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, đồng chí về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư, cùng Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hóa Luận cương Chính trị, lãnh đạo đưa phong trào cách mạng có những bước tiến mới.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng đồng chí đã giữ vững chí khí chiến đấu, kiên quyết không khai báo. Do bị tra tấn cực hình, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) vào ngày 6/9/1931, khi mới 27 tuổi - độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Phát huy truyền thống quê hương, noi gương đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hà Tĩnh đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: Quy mô nền kinh tế xếp thứ 30; thu ngân sách xếp thứ 18 cả nước.
Thu hút đầu tư đạt kết quả khá; toàn tỉnh hiện có gần 1.500 dự án đầu tư, tổng vốn hơn 22 tỷ USD, trong đó có 70 dự án FDI; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như thép chiếm 17,5%, điện chiếm 3% sản lượng cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 7; chỉ số hài lòng của người dân với cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ 4 cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 100% số xã, 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh phát triển toàn diện. Các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy; Đại thi hào Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và 5 di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt kết quả tốt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Chính sách đối với người có công được thực hiện tốt.
Công tác an sinh xã hội đạt kết quả nổi bật: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ; hàng chục điểm trường vượt lũ, gần 8.000 nhà ở kiên cố cho người dân; quỹ học bổng của tỉnh đã hỗ trợ 318 em học sinh gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học đại học; các đối tượng yếu thế được chăm lo hỗ trợ, đỡ đầu.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và đi vào chiều sâu. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương.
Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chú trọng công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Hợp tác đối ngoại phát huy hiệu quả. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Những kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh đã tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, đồng thời đúc kết được nhiều bài học quý báu. Đó là: Bài học về “giữ vững chí khí chiến đấu”, kiên định mục tiêu, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, tiền đồ tươi sáng của cách mạng; Bài học về sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, về tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; Bài học về vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, không ngại gian khổ, hy sinh, không chùn bước trước khó khăn; Bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng; Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra; Bài học về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh người đứng đầu; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tin tưởng giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ trẻ.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với chiến lược phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát huy lợi thế và tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ các-bon để thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn, kinh tế biển, sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, thật sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển. Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, khát vọng của con người Hà Tĩnh trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Xây dựng con người Hà Tĩnh hội đủ các chuẩn mực của con người Việt Nam, gắn với những phẩm chất hiếu học, vượt khó vươn lên, sống nhân ái, nghĩa tình...
Thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố trong khu vực, với các tỉnh của nước bạn Lào; duy trì hợp tác hiệu quả với các đối tác truyền thống, mở rộng quan hệ với các đối tác mới. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững, theo hướng công nghiệp hiện đại, đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.