Tạo thế sâu rễ bền gốc
Qua các chương trình hành động của huyện Gia Lộc cho thấy các cấp ủy luôn bám sát các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kịp thời bổ sung, cập nhật những điểm mới về mục tiêu, quan điểm, giải pháp gắn với tình hình thực tiễn. Các cấp ủy đi vào kiểm điểm, quy rõ trách nhiệm những tập thể, cá nhân triển khai thực hiện nhiệm vụ hạn chế, thiếu quyết liệt, chưa coi trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nội dung công tác.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đỗ Văn Tiến cho biết, đây cũng là quá trình Đảng bộ tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công và gắn trách nhiệm cho từng đồng chí Huyện ủy viên phụ trách các lĩnh vực công tác và địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc; chịu trách nhiệm về kết quả nhiệm vụ.
Đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nghị quyết tại cơ sở, đặc biệt là các đề án, kế hoạch, công trình trọng điểm được xác định trong nhiệm kỳ. Các cấp ủy trong Đảng bộ duy trì chế độ thảo luận, ban hành các quyết định bảo đảm sát tình hình thực tiễn của địa phương gắn liền coi trọng kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
Khảo sát cho thấy huyện cũng ban hành nhiều giải pháp xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở, trước hết từ chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng. Đến nay 100% bí thư chi bộ khu vực nông thôn đồng thời là trưởng thôn. Có 5/18 xã, thị trấn bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã. Phó Chủ tịch HĐND huyện Phạm Thị Thu nhìn nhận, việc tăng cường quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu địa phương.
Gắn liền với đó, các cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát theo hướng có trọng điểm, mở rộng giám sát nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhất là với những nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp; trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính ngân sách, môi trường.
Ba năm qua, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy và cơ sở đảng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức đảng, 13 đảng viên; kiểm tra 144 tổ chức đảng cấp dưới, từ đó thi hành kỷ luật khiển trách một tổ chức đảng; kỷ luật 15 đảng viên (trong đó cảnh cáo 5, khai trừ 3 trường hợp). Công tác thi hành kỷ luật đảng, giải quyết đơn thư tố cáo ở Đảng bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Đầu tư cho các mục tiêu phát triển, từ khâu “then chốt của then chốt” Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Đề án về "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025"; "Xây dựng chính quyền thân thiện trên địa bàn huyện Gia Lộc giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, khâu đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, sử dụng cán bộ, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức được bảo đảm đúng nguyên tắc, đồng bộ, khoa học.
Qua đó, Gia Lộc hướng mạnh vào phát huy tính tiền phong, gương mẫu, sâu sát và năng động của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; khuyến khích cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tạo động lực cho phát triển
Thực tế cho thấy, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền Gia Lộc được khẳng định rõ từ việc huy động hiệu quả các giải pháp, nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu mang tính đột phá.
Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, phong trào đọc sách được hưởng ứng mạnh mẽ trong hệ thống nhà trường tại Gia Lộc. |
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, huyện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đồng thời tập trung thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện số hóa hồ sơ; trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Huyện đã đầu tư, hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhà làm việc của “bộ phận Một cửa” toàn huyện theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Trong hai năm gần đây, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính toàn huyện nhận là 95.350 hồ sơ (trong đó trực tuyến 53.778 hồ sơ). Số lượng hồ sơ đã giải quyết trước hạn đạt tới gần 99%. Từ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, Gia Lộc đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Mục tiêu lớn, mang tính đột phá của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này là mở rộng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ ưu tiên nguồn lực đầu tư, huyện đã triển khai đồng bộ 3 dự án lớn gồm: Dự án vùng sản xuất lúa chất lượng công nghệ cao (150ha, tổng nguồn vốn 37 tỷ đồng); Dự án vùng nuôi trồng thủy sản (185ha, tổng nguồn vốn 27 tỷ đồng); Dự án khu chăn nuôi tập trung (40ha, tổng nguồn vốn 10 tỷ đồng).
Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình nhà màng, nhà lưới, nâng tổng diện tích nhà màng, nhà lưới 220.482m2. Bên cạnh đó hằng năm huyện và các xã cùng đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng, các vùng nuôi trồng thủy sản, kiên cố kênh mương, tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng…
Quá trình trên đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất. Hiện giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 248 triệu đồng/ha (tăng 23 triệu đồng so với năm 2020) vượt 6 triệu đồng so với mục tiêu Đại hội.
Mặt khác, Huyện ủy, UBND huyện phối hợp quyết liệt chỉ đạo xử lý nghiêm những yếu kém trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, nhất là môi trường nông thôn, các làng nghề…
Qua đầu tư xây dựng nông thôn mới của các xã toàn huyện, bộ mặt nông thôn nhanh khởi sắc, đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao hơn.
Đồng thời, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn được triển khai sâu rộng. Theo thiếu tá Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng công an huyện Gia Lộc, sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể trong lĩnh vực này.
Rõ nhất là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhiều năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhân tố quyết định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Đặng Xuân Thưởng trao đổi, phải từ công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, trước hết trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Mặt khác, lãnh đạo bảo đảm toàn Đảng bộ phát huy dân chủ và sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ, gắn với kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Đồng thời, xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm …vì các mục tiêu phát triển.