Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay đã mở 5 phiên giao dịch việc làm (3 phiên trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm và 2 phiên online).
Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động qua các phiên giao dịch là rất lớn. Chỉ tính từ ngày 1/1 đến 24/2 vừa qua, đã có 42 doanh nghiệp cần số lượng lao động hơn 7.300 người.
Qua khảo sát, lĩnh vực dệt may và da giày đang cần tuyển lao động phổ thông vào làm việc ngay với số lượng hơn 7.000 người. Nhiều doanh nghiệp hứa hẹn mức đãi ngộ thỏa đáng, không tăng ca hay làm thêm nhiều nhằm thu hút lao động.
Có những cơ sở sản xuất như Nhà máy Giày Thái Bình nằm trên phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình) treo băng rôn tuyển 150 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng, kèm theo những hỗ trợ hấp dẫn khác, nhưng mấy tháng nay không tuyển dụng được đủ số lượng theo nhu cầu.
Cùng tình trạng này, Công ty May 10 (cơ sở sản xuất tại huyện Đông Hưng), hay như Công ty Dệt nhuộm may Thăng Long (đang mở rộng dây chuyền sản xuất tại huyện Vũ Thư)… đều có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động nhưng hiện khá khó khăn bởi nguồn cung quá ít.
Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình cho biết, trong 3 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại sàn từ đầu năm đến nay, đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho 430 lao động. Một con số rất thấp so nhu cầu thực tế cần tuyển dụng hàng nghìn lao động của các doanh nghiệp.
Lý giải vấn đề này, phía Trung tâm cho hay, địa bàn Thái Bình khá hẹp, nguồn nhân lực bị phân tán sang các tỉnh lân cận rất gần về địa lý như Nam Định, Hải Dương. Mặt khác, một bộ phận lao động ngành dệt may, da giày muốn chuyển việc mới do nghề này phải “ngồi nhiều”, công việc áp lực và bí bách. Bên cạnh đó, tâm lý chung của người lao động phổ thông vùng nông thôn là thích làm việc gần nhà, ngại đi xa.
Tình trạng thiếu lao động phổ thông trong ngành dệt may, da giày sẽ còn tiếp diễn, bởi theo đánh giá của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình, sau Tết một bộ phận người lao động có tâm lý nghe ngóng, chưa muốn tham gia thị trường lao động.
Để tạo nguồn cung lao động, thời gian qua Trung tâm đã tiếp cận, tư vấn nghề nghiệp cho khoảng 2.000 bộ đội, công an xuất ngũ về địa phương. Bên cạnh đó, duy trì nhiều kênh thông tin như tư vấn tại sàn giao dịch việc làm; tư vấn online; cập nhật nhu cầu việc làm trên trang Facebook… để cung cấp và dự báo về thị trường lao động, tổ chức dạy nghề và nhất là cung ứng nhân lực, giới thiệu việc làm.