Thái Bình đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp

NDO - Thực hiện Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Bình có nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho cộng đồng doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thúc đẩy các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp được tỉnh Thái Bình quan tâm, chú trọng.
Thúc đẩy các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp được tỉnh Thái Bình quan tâm, chú trọng.

Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, góp phần ổn định giá cả, bình ổn thị trường.

Các kênh phân phối được phát triển theo hướng hiện đại, mang tính kết nối, phát triển đồng bộ mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Riêng trong năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5%. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước mà Việt Nam đã ký các hiệp định FTA chiếm từ 32 đến 35%, góp phần tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của địa phương và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu hàng hóa theo hướng xuất khẩu.

Thái Bình đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp ảnh 1

Sản phẩm của doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng truyền thống và hiện đại.

Công tác kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, các hoạt động liên kết thúc đẩy lưu thông hàng hóa được quan tâm đẩy mạnh, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng, đa dạng nguồn cung nguyên liệu góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo.

Các hội nghị đã tập trung giới thiệu, kết nối các kênh phân phối trong tỉnh với các tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với trên 500 doanh nghiệp tham gia đã góp phần làm rõ các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có tính đồng bộ gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, liên kết vùng, từ đó thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hóa của tỉnh.

Sở Công thương cùng các sở, ban, ngành nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn tư vấn về sở hữu công nghiệp, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thái Bình đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp ảnh 2

Những thương hiệu gạo chất lượng của tỉnh Thái Bình đã có mặt tại hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại lớn.

Bên cạnh đó, sở làm việc với các nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, sàn thương mại điện tử, triển khai các biên bản hợp tác đã ký kết, liên kết đăng tải quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin, website, sàn thương mại điện tử trên cả nước.

Qua các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được biết đến trên giá kệ của chuỗi các siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như tiêu thụ tốt qua một số sàn thương mại điện tử.

Một số sản phẩm có doanh số khá tốt, tăng từ 20 đến 30%/năm như ngao trắng, gạo, bún khô, phở khô, nước mắm, bánh kẹo, trà thảo dược, sản phẩm dệt đũi, đồ gốm sứ...

Các doanh nghiệp cũng khai thác tốt các kênh bán hàng truyền thống như mở điểm bán hàng tại các sự kiện, chợ truyền thống, góp phần tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị.