Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình

Ngày 8-4, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước và đại diện các tập đoàn kinh tế lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký văn bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thái Bình về triển khai các dự án nông nghiệp vào Thái Bình. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký văn bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thái Bình về triển khai các dự án nông nghiệp vào Thái Bình. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu tinh thần của Chỉ thị 100, Khoán 10 của Trung ương là tinh thần “cởi trói” thì cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp (DN), khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. DN chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường nông sản hàng hóa phù hợp nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên những tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam. Phải đưa DN vào nông nghiệp, nông thôn bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Thủ tướng cho rằng, để thành công trong nông nghiệp cần sự hiện diện, liên kết của năm nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng (ngân hàng). Trong đó, DN đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường. Thủ tướng đề nghị Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển; là tỉnh trù phú, giàu có dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần hình thành một diện mạo mới của nền nông nghiệp Việt Nam và bức tranh nông thôn Việt Nam trong thập kỷ tới.

Tỉnh cần tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, gắn chặt với từng vùng sinh thái, tránh cát cứ địa phương, mất đi tính liên vùng. Chuyển tư duy an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng. Phải tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước cách làm mới của Thái Bình vừa thực hiện Luật Đất đai, đồng thời mở ra cơ chế mới về mở rộng hạn điền. Thủ tướng gợi ý Thái Bình cần mở rộng không gian phát triển hướng ra Biển Đông chứ không phải chỉ đứng trước biển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong đó đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản là một trong những trụ cột quan trọng.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, “3 cùng” với DN, hợp tác xã và người nông dân. Có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các DN, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm của tỉnh, trong đó thủy hải sản mang thương hiệu Thái Bình trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và vươn ra quốc tế. Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn nói chung nhưng không được để người dân đóng góp quá nhiều, ảnh hưởng đời sống.

Với nhà đầu tư, DN, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, cùng thắng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất. Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín, đặc biệt chú trọng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội; xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng thể chế, pháp luật, cải cách hành chính tốt hơn. Chính phủ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển. Các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nhất là trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho Thái Bình tăng tốc phát triển.

* Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký hơn 2.016 tỷ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho ba dự án BT, BOT về xây dựng công trình đường giao thông với số vốn đăng ký 2.717 tỷ đồng.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát việc thi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 26 nghìn tỷ đồng, gồm hai tổ máy, tổng công suất 600 MW, sản lượng điện hằng năm khoảng 3,6 tỷ kW giờ. Nhà máy nằm trong Trung tâm Điện lực Thái Bình (xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy) gồm hai nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất 1.800 MW. Dự án khởi công từ đầu năm 2014 và dự kiến giữa năm 2018, cả hai tổ máy sẽ đi vào hoạt động.

Thị sát việc thi công nhà máy, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn cũng như các tiêu chí về môi trường.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp miền bắc thuộc Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Việt Nam, trong đó Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nắm 18% vốn điều lệ. Công ty đang khai thác từ các mỏ Hàm Rồng và Thái Bình để cung cấp khoảng 200 triệu m3 khí tiêu chuẩn/năm cho thị trường khách hàng khu vực Bắc Bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động của công ty thời gian vừa qua; biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ - công nhân viên công ty, đóng góp cho ngân sách. Thủ tướng lưu ý công ty xây dựng thương hiệu lớn mạnh, đóng góp vào thương hiệu PV GAS, nghiên cứu phương án để có sản phẩm mới.

* Trước đó, Thủ tướng đã đến thăm ông Tô Ngọc Lanh (70 tuổi) là thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Cúp (99 tuổi) có hai con là liệt sĩ.