Từ tháng 9/2022, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình là đơn vị y tế đầu tiên ở địa bàn tỉnh triển khai thẻ khám, chữa bệnh thông minh, không dùng tiền mặt. Việc làm này nằm trong chương trình chuyển đổi số của bệnh viện, đồng thời cải tiến thủ tục khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và giảm áp lực công việc cho nhân viên y tế.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc bệnh viện cho biết: Người dân sử dụng thẻ khám, chữa bệnh thông minh giống như thẻ ngân hàng để thanh toán cho tất cả các dịch vụ trong bệnh viện. Trên thẻ khám bệnh thông minh được tích hợp các thông tin của người bệnh, giúp các lần tái khám được nhanh chóng và thuận lợi. Người bệnh cũng có thể đăng ký khám từ xa, đăng ký lấy số khám từ nhà qua tổng đài 1900.6888, trên ứng dụng Hồ sơ sức khỏe hoặc website: datlichkham.vn.
Với sự đồng hành của Công ty Onelink - đơn vị thực hiện triển khai giải pháp, thẻ khám, chữa bệnh thông minh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình; thẻ khám, chữa bệnh thông minh được phát miễn phí cho bệnh nhân, giúp người bệnh thanh toán viện phí, tiền thuốc, tiền gửi xe, ăn uống tại căng-tin và các điểm tiện ích trong bệnh viện.
Để quá trình chuyển đổi số hiệu quả, trên nền tảng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), đơn vị tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, hệ thống truyền dẫn với hơn 200 máy tính. Bên cạnh đó, ứng dụng các phần mềm PACS, LIS, quản lý tài chính, nhân lực, trang thiết bị... để tạo ra “hệ sinh thái số” tại bệnh viện.
Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, cách đây hơn một năm, để công tác điều hành thuận lợi, bệnh viện triển khai sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành ioffice trong nội bộ, với mục tiêu xây dựng văn phòng điện tử không giấy tờ. Hệ thống ioffice giúp lãnh đạo bệnh viện điều hành và quản lý các công việc được giao một cách rõ ràng, minh bạch; đồng thời giúp các nhân viên dễ dàng tra cứu, tìm kiếm các văn bản và thực hiện xử lý văn bản một cách thuận tiện.
Trong công tác khám, chữa bệnh, từ tháng 10/2022, bệnh viện thực hiện sử dụng chữ ký số cho tất cả bác sĩ để ký các phiếu chỉ định và phiếu trả kết quả trong hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú và phiếu khám bệnh ngoại trú. Ngoài ra, từ tháng 7/2022, bệnh viện còn thực hiện liên thông dữ liệu hai chiều hệ thống máy xét nghiệm và phần mềm quản lý xét nghiệm LIS. Các kết quả xét nghiệm được ký duyệt bằng chữ ký điện tử và trả kết quả tự động trên phần mềm, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Ông Đỗ Văn Lương, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Chúng tôi đang phấn đấu trong tháng 11 năm nay thực hiện sử dụng chữ ký điện tử cho tất cả điều dưỡng, hộ sinh trên các phiếu liên quan đến công tác điều dưỡng. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, tiến tới sử dụng được hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền thông hình ảnh y tế) để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đồng bộ, hiện đại, giảm các chi phí phải in phim. Tới năm 2025, bệnh viện phấn đấu thực hiện được hồ sơ bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh”.
Trong thời đại công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan, tạo động lực cho sự phát triển. Bằng việc đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động liên quan chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tuổi trẻ tỉnh Thái Bình đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 520 tổ công nghệ số cộng đồng với 4.800 đoàn viên, thanh niên tham gia; duy trì đều đặn ít nhất một tháng/lần triển khai tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến tại các xã, thị trấn gắn với “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn về xây dựng phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên, Tỉnh đoàn Thái Bình đã tạo lập phần mềm cho 513/513 đoàn cơ sở; 4.244 chi đoàn và 82.273 đoàn viên, thanh niên đăng nhập thành công qua ứng dụng Thanh niên Việt Nam (đạt 103% chỉ tiêu đề ra) và vinh dự là một trong năm đơn vị được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về việc hoàn thành xuất sắc nghiệp vụ phần mềm quản lý đoàn viên.
Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình cho biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng thành công phần mềm quản lý công tác đoàn và rất tự hào khi đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ 10, năm 2023.
Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho biết: Đối với hoạt động chính quyền số, đến nay có hơn 817 nghìn người sử dụng thẻ Căn cước công dân đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ bảo hiểm y tế; có 16.500 trường hợp được cấp giấy phép lái xe điện tử; có hơn 835 nghìn lượt người sử dụng ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt...
Đối với hoạt động kinh tế số, có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng website; năm doanh nghiệp quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm trên website uy tín của Bộ Công thương; 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa...
Trong hoạt động xã hội số, tỉnh Thái Bình hoàn thành xét tuyển trực tuyến cho 11.515/20.180 học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp; gần 1,6 triệu trường hợp (đạt 97%) tham gia bảo hiểm xã hội được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Để chuyển đổi số đi vào thực chất, tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từng bước hình thành dữ liệu lớn toàn tỉnh nhằm hoàn thiện Chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.