Thách thức và vận hội

Một năm Nhâm Dần hối hả qua đi với bộn bề thách thức và cơ hội.
0:00 / 0:00
0:00
Tranh: VŨ ĐÌNH TUẤN
Tranh: VŨ ĐÌNH TUẤN

Sau hơn hai năm dồn nén cho đại dịch Covid-19, cuộc sống bật tăng trở lại, cả kinh tế, văn hóa và mọi mặt đời sống xã hội. Khoảng thời gian chống dịch nghiệt ngã không dài nhưng đủ cho mỗi người thấm thía: được tự do học tập, làm việc hoặc đơn giản là kiếm sống… cũng là hạnh phúc! Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng hai con số như: Bắc Giang (24%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%)… Tính chung trong năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 148,5 nghìn, tăng 27,1% về số doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi xấp xỉ thời điểm trước đại dịch. Dường như những bức bối, dồn nén suốt thời gian cách ly do đại dịch đang bung phá, tiếp thêm động lực trong mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cộng đồng trong đất nước.

Năm 2022, nước ta xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu gạo góp phần tạo nên kim ngạch xuất khẩu cả năm gần 371,5 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt mốc kỷ lục 732 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư lớn với con số xuất siêu gần 11 tỷ USD, trong đó, nhiều ngành có kết quả xuất khẩu ngoạn mục như dệt may, da giày, nông sản. Kinh tế Việt Nam ước đạt mức tăng trưởng 8,02%, cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao nhất trong 10 năm qua. Đó là kết quả rất đáng tự hào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách.

Song song với nỗ lực phục hồi kinh tế, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, tăng cường. Quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ, khẳng định việc làm trong sạch bộ máy nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Trên bình diện quốc tế, cạnh tranh giữa các nước lớn gây nên xáo trộn lớn cho giao thương quốc tế. Giá dầu thô tăng nhanh kéo theo giá các loại năng lượng tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ phát triển kinh tế. Các nền kinh tế lớn của thế giới suy giảm nghiêm trọng, lạm phát tăng cao tác động tiêu cực tới nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu.

Những ngày cuối năm này, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng tới nhiều cơ sở sản xuất trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp dệt may, da giày. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ người lao động, các cấp, các ngành và cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động như điều phối lao động từ các nơi thừa tới những nơi có nhu cầu; giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp bảo đảm chế độ lương, thưởng Tết cho người lao động; nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ tới người lao động bị mất việc làm để mỗi người, mỗi nhà đều có Tết…

Những thách thức và cơ hội luôn đan xen, song hành. Với nỗ lực hết mình của mỗi người, của mỗi cộng đồng, của toàn Đảng, toàn dân, việc nắm bắt những cơ hội sẽ tạo đà để chúng ta tiếp tục gặt hái những thành công mới trong quá trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.