Thách thức từ giá thép giảm

Từ đầu năm đến nay, thị trường thép xây dựng trong nước liên tục ghi nhận sự đi xuống cả về giá, sản lượng và mức tiêu thụ, trong đó giá thép đã giảm liên tiếp hơn 10 lần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra chất lượng thép xây dựng trước khi xuất xưởng. (Ảnh: THỤY NHIÊN)
Kiểm tra chất lượng thép xây dựng trước khi xuất xưởng. (Ảnh: THỤY NHIÊN)

Điều này đã mang lại nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp xây dựng tiếp cận thị trường thép với giá bán thấp, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất thép cũng như ngành công nghiệp sản xuất thép nói chung.

Tuần qua, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp tục đồng loạt hạ giá các sản phẩm thép xây dựng, giảm 170.000 đến 540.000 đồng/tấn. Hiện tại giá thép trên thị trường dao động ở mức 13,7 đến 14,4 triệu đồng/tấn.

Theo Hiệp hội Thép xây dựng Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép tại thị trường trong nước liên tục được điều chỉnh với hơn 10 lần giảm giá, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường thép thế giới. Hầu hết các sàn giao dịch thép lớn trên thế giới vẫn đang tiếp tục giảm sâu đã tác động mạnh đến thị trường trong nước. Cùng với đó, thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm theo.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 14,1 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng thép tiêu thụ đạt 12,9 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, mặc dù có nhiều cố gắng nhằm cắt giảm sản lượng thép sản xuất, giảm lượng thép tồn kho và đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ, nhưng lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, do thời điểm đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường tích trữ một lượng thép rất lớn và chưa kịp bán ra khi thị trường đi xuống. Tính đến cuối năm 2022, mặt hàng thép các loại tồn kho khoảng 990.000 tấn, tương đương với giá trị khoảng 66.000 tỷ đồng. Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, doanh thu toàn ngành thép nửa đầu năm 2023 có thể giảm từ 70 đến 80% so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục.

Các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích thị trường, như triển khai các chương trình ưu đãi, tăng chiết khấu cho đại lý, cho khách hàng kéo dài thời gian thanh toán. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh giá và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, những khó khăn trong việc tiêu thụ thép hiện nay không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà là khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới với sự tiếp tục đi xuống của thị trường toàn cầu và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần có sự tính toán phù hợp nhằm cân đối trong việc sản xuất và tiêu thụ, tránh những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm kích cầu thị trường nói chung, nhất là thị trường nhà ở, tạo điều kiện cho thị trường thép trong nước dần hồi phục trở lại. Đây cũng là điều kiện tốt để đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp.