Italia chính thức đảm nhận chức Chủ tịch G7 từ ngày 1/1/2024. Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nhấn mạnh, công nghệ AI sẽ là chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 6 tới ở miền nam Italia.
Trước đó, bà Meloni từng bày tỏ quan ngại về tác động của AI đối với thị trường lao động, cho thấy sự quan tâm của nước chủ tịch G7 đối với công nghệ tiên tiến mới nổi này.
Việc hỗ trợ phát triển cho châu Phi cũng sẽ là ưu tiên của G7, bởi đây là nhân tố giúp ngăn chặn từ gốc rễ làn sóng di cư đến châu Âu, vốn gây áp lực lớn với Italia và buộc nước này phải tìm kiếm sự trợ giúp từ Liên hợp quốc.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tại cuộc họp báo ngày 4/1. |
Tiếp quản “ghế nóng G7” từ Nhật Bản, Italia đối mặt một phép thử về năng lực dẫn dắt trong bối cảnh thế giới chao đảo bởi hàng loạt thách thức cũ và mới đan xen, như triển vọng phục hồi kinh tế bấp bênh, dịch bệnh, thảm họa khí hậu, các cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông...
Đặc biệt, với mức độ phủ sóng nhanh chóng và tính năng vượt trội, công nghệ AI siêu thông minh nổi lên là thách thức của thời đại, với rủi ro khôn lường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Hiệp hội ngành thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italia cảnh báo, khoảng 8,4 triệu lao động nước này có nguy cơ gặp rủi ro do việc sử dụng AI.
Thời gian qua, G7 nỗ lực giám sát việc phát triển và ứng dụng AI. Cuối năm 2023, G7 đã thống nhất về Bộ Quy tắc ứng xử gồm 11 điểm dành cho các công ty phát triển AI, hướng dẫn quản lý những hệ thống AI tiên tiến nhất và hệ thống AI tạo sinh.
Bộ quy tắc đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự an toàn, bảo mật và phát triển AI một cách đáng tin cậy trên toàn thế giới. Giới chuyên gia ước tính, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể đạt 1.000 tỷ USD.
Những bước đi hiện tại của các chính phủ và tổ chức, trong đó có G7, là những bước đi đúng hướng, góp phần đẩy nhanh nỗ lực quản trị AI toàn cầu.
Về trọng tâm nữa trong chương trình nghị sự của G7 là hỗ trợ phát triển cho châu Phi, Italia khẳng định, điều quan trọng là hỗ trợ châu Phi phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân, từ đó giúp hạ nhiệt làn sóng di cư.
Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), các chính phủ, nhà tài trợ và tổ chức nhân đạo cần chuẩn bị đáp ứng nhu cầu hỗ trợ lương thực cao ở Zimbabwe, Malawi, Mozambique và Madagascar trong suốt năm 2024, do hiện tượng El Nino đe dọa nghiêm trọng ngành nông nghiệp khu vực.
Đói nghèo, bạo lực, thiên tai làm bùng nổ làn sóng di cư mới.
Theo Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex), từ tháng 1 đến 11/2023, có tới 355.300 người di cư trái phép đã đến Liên minh châu Âu (EU), tăng 17% so với mức cùng kỳ năm 2022 và là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016.
Vấn đề di cư luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh châu Âu trong khoảng một thập niên qua, nhưng đến nay chưa thể giải quyết được do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia trong việc kiểm soát làn sóng di cư.
Trong khi đó, xung đột Israel-Hamas đã phủ bóng lên chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó có G7. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao G7 (tháng 11/2023) kêu gọi các bên thúc đẩy hoạt động nhân đạo, bảo vệ dân thường, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, G7 chưa đưa ra lập trường rõ ràng, mạnh mẽ và quyết liệt về cuộc xung đột, do các thành viên có mối quan tâm cũng như lợi ích kinh tế và chính trị khác nhau. Vấn đề xung đột tại Trung Đông tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự G7 năm 2024.
Bài toán khó của G7 tiếp tục là phối hợp hành động để thực thi vai trò “đầu tàu” thế giới. Một năm dẫn dắt G7 sẽ là phép thử đối ngoại lớn, cũng là cơ hội để Italia khẳng định bản lĩnh tại diễn đàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu.