Đứng lên bảo vệ chính mình

Một chương trình ở Ấn Độ và Nepal giúp những trẻ em là nạn nhân bóc lột tình dục học tập để lấy bằng luật sư và trở thành người bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Đứng lên bảo vệ chính mình

Vấp ngã và đứng dậy

Khi còn là một thiếu niên, Sinaj Khatun mơ ước có một công việc ổn định để có thể trợ giúp gia đình. Cô sống ở Murshidabad bang Tây Bengal và đang học thạc sĩ lịch sử tại một trường cao đẳng địa phương. Không may, ở tuổi 20 cô đã bị một gã đàn ông lừa bán, bị giam giữ và bóc lột tình dục suốt hai tháng tại một nhà thổ. Gã đàn ông sau đó giả kết hôn với cô, đưa cô ra mắt gia đình và dọa giết cha cô để buộc cô trở lại nhà thổ. Nhưng cô đã đến đồn cảnh sát để khai báo. Thoát khỏi cảnh giam cầm, tuy nhiên Khatun chưa bao giờ có được công lý mà cô đang tìm kiếm.

Giờ đây, ở tuổi 31, cô có một ước mơ khác: Đưa những tên tội phạm như kẻ đã lừa cô ra trước tòa.“Khi tôi vấp ngã, mẹ đã truyền cảm hứng để tôi đi tiếp. Bà nói rằng tôi có rất nhiều điều để vươn tới. Tôi đã mất nhiều năm khôi phục lại cuộc sống của mình, nhưng kẻ làm hại tôi vẫn tự do. Hồi đó, tôi không biết làm thế nào để bảo vệ bản thân và quyền lợi của mình. Bây giờ tôi muốn điều đó không xảy ra với những cô gái khác nữa”, cô nói.

Là người đầu tiên lấy được bằng Cử nhân Luật nhờ các chính sách hỗ trợ của ngôi trường độc đáo có tên Trường vì công lý, được thành lập ở Kolkata vào năm 2017, Khatun cuối cùng đã trở thành một luật sư. Cô cho biết: “Khi bắt đầu tham gia chương trình, tôi ở trong trạng thái chấn thương tâm lý. Nhưng đến học kỳ cuối cùng của khóa học, tôi cảm thấy mình như một con người hoàn toàn khác. Tôi trở thành chị cả ở ngôi trường này và giúp các cô gái trẻ ổn định cuộc sống”.

Hơn 40 cô gái khác cũng tiếp bước Khatun, theo học các khóa đào tạo để trở thành luật sư, trợ lý luật sư, nhân viên xã hội, cảnh sát và nhà báo. Chương trình này dành riêng cho những nạn nhân bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại ở Kolkata, Mumbai và được thành lập gần đây nhất là ở Kathmandu.

Ý tưởng ban đầu là trang bị cho các nạn nhân những công cụ cần thiết để nâng cao nhận thức và đưa tội phạm tình dục trẻ em ra công lý. Chương trình được tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Free a Girl (tạm dịch: giải phóng một bé gái) khởi xướng, phối hợp với các đối tác địa phương như Sanlaap và Shakti Vahini ở Ấn Độ và Maiti Nepal. Các cô gái sẽ được tài trợ mọi chi phí để học hết cấp ba và sau đó, lựa chọn khóa học ở một trường đại học phù hợp, toàn bộ học phí, chi phí nội trú, đi lại và các chi phí cá nhân khác do Free a Girl lo.

Nhiều cô gái đăng ký theo chương trình này đã sống nhiều năm trong các mái ấm, có được sự tư vấn và hỗ trợ tinh thần thường xuyên. Ở Kolkata và Kathmandu, các cô gái có thể chọn sống trong những ngôi nhà an toàn của Trường vì công lý. Chúng là những tòa nhà nhiều tầng giống như nhà nội trú của trường đại học: phòng có giường tầng, có người quản lý, đầu bếp và camera quan sát. “Bây giờ tôi hiểu biết hơn nhiều, tôi biết quyền của mình, cách thức hoạt động của nạn mua bán trẻ em, những dấu hiệu mà các cô gái trẻ nên đề phòng. Tôi muốn đưa những cô gái bị xâm hại ra khỏi bóng tối và cho họ biết về các lựa chọn hợp pháp dành cho họ”, Khatun nói.

Trong thời kỳ đại dịch, các cô gái đã thích nghi với các bài học trực tuyến trên máy tính xách tay tại nhà an toàn. Giống như Khatun, cô Renuka Sherpa 20 tuổi ở Kathmandu muốn trở thành luật sư. Cô vào trường từ mùa hè trước. “Kể từ khi đăng ký khóa học luật, tôi thấy bản thân thay đổi rất nhiều. Từ một học sinh nghèo mắc bệnh trầm cảm, cuối cùng tôi đã học được cách tập trung và sống có mục đích. Tôi có thể tự tin nói trước mọi người”, cô nói. Sherpa từng bị một gã hàng xóm xâm hại tại nhà khi cô mới 11 tuổi. Ở tuổi 15, cô làm việc tại một quán bar khiêu vũ để trả tiền chữa bệnh cho mẹ, nơi cô bị bóc lột tình dục trong hai năm. Được giải cứu và tiếp nhận vào trường, giờ đây, cô cùng các bạn đồng trang lứa được học các môn học yêu thích. “Vào cuối tuần, chúng tôi khiêu vũ, chúng tôi xem phim, chúng tôi cười. Nó giống như một gia đình vậy”, cô nói về cuộc sống trong ngôi nhà an toàn.

Những quyết định đổi đời

Các cô gái được khuyến khích tìm kiếm và chọn trường đại học địa phương mà họ muốn theo học, bà Manisha Ghimire, quản lý chương trình của Trường vì công lý Nepal cho biết. “Đó là một thử thách bởi đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới với các em. Một số em không có môi trường thuận lợi để học ở nhà, vì vậy chúng tôi cung cấp cho các em lựa chọn ở nhà an toàn. Một thách thức khác là học sinh bỏ học do áp lực của gia đình buộc các cô gái phải kết hôn”, bà nói thêm. Học tiếng Anh là một thách thức khác nữa. Sunehri Pradhan 19 tuổi, đang theo học cử nhân công tác xã hội ở Kathmandu cho biết, cô rất lo lắng về việc gia nhập Trường vì công lý nhưng cũng đầy quyết tâm: “Tôi muốn trở thành một nhân viên xã hội và đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh để điều hành các chương trình nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và xâm hại tình dục”.

Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia của Ấn Độ, có hơn 67 nghìn trẻ em mất tích trong năm 2018. Và trong số ước tính ba triệu người bán dâm ở nước này, 40% là trẻ em, theo một báo cáo năm 2008 từ Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em, còn theo Tổ chức Lao động quốc tế năm 2016, Ấn Độ có tới hơn một triệu trẻ em là nạn nhân bóc lột tình dục.

Bà Evelien Hölsken, đồng sáng lập của Free a Girl cho biết ý tưởng đằng sau chương trình Trường vì công lý xuất phát từ việc nhiều kẻ thủ ác không bị trừng phạt. “Vì vậy, chúng tôi nghĩ làm thế nào để trao quyền vào tay chính các nạn nhân, không chỉ cho họ cơ hội giáo dục và dạy nghề mà còn trao quyền để họ có thể trở thành những người phát ngôn và nhân tố thay đổi ở quê nhà”, bà chia sẻ. Gần đây, Free a Girl đã phát động chiến dịch #VoiceforJustice (tiếng nói vì công lý) kêu gọi những người nổi tiếng và công dân trên khắp thế giới “hiến tặng” giọng nói ghi âm lại lời khiếu nại thay mặt cho các cô gái bị mua bán và thách thức những kẻ phạm tội không bị trừng phạt.

Bà Pradnya Dolare, người quản lý chương trình ở Mumbai và Kolkata cho biết, mục đích chính của chương trình nhằm xóa bỏ sự kỳ thị và sợ hãi. “Các cô gái được đào tạo để tham gia các chiến dịch truyền thông về nhân quyền và phòng, chống lạm dụng trẻ em. Chúng tôi khuyến khích họ chia sẻ câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho những người khác. Tôi đã chứng kiến họ thay đổi, từ việc bị tổn thương bởi những gì đã xảy ra với mình và không thể hòa nhập, trở thành những cá nhân tự tin, vui vẻ, nói lên tiếng nói của mình”, bà cho biết.

Bà Pranaadhika Sinha Devburman, một nhà hoạt động chống lại việc bóc lột tình dục trẻ em và đã từng là một nạn nhân tại Mumbai, cho rằng sáng kiến này “có giá trị bởi nó trao quyền cho những nạn nhân và sau đó đến lượt họ lại giúp đỡ những nạn nhân khác một cách hiệu quả. Một điều quan trọng là họ xây dựng được sự tự tin sau những điều kinh khủng đã trải qua”.

Khatun chính là một trong số đó: “Tôi hy vọng sẽ trở thành thẩm phán. Tôi muốn làm việc ở Kolkata và tiếp cận với những cô gái bị bóc lột tình dục ở quê hương mình, khuyến khích họ lên tiếng, bởi đó là bước đầu tiên hướng tới công lý”.

7_1-1611991882739.jpg
Ảnh trong bài: Những nữ sinh của Trường vì công lý.